Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn khó khăn khi lãi suất hạ

Theo Đại biểu Nhân dân

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất. Đây được coi như cơ hội cho doanh nghiệp (DN) có được đồng vốn giá rẻ trong bối cảnh sản xuất vẫn còn khó khăn, hàng tồn kho chưa được cải thiện là bao. Tuy nhiên, không ít DN trong ngành vật liệu xây dựng cho rằng, tiếp cận vốn đã khó, nhưng ngay cả khi có vốn vẫn không phải là giải pháp để cứu DN phát triển sản xuất và giảm hàng tồn kho trong lúc này.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn khó khăn khi lãi suất hạ
Hỗ trợ DN cần quan tâm đến phía cầu để tác động tới đầu ra. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Hàng loạt các DN sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong 2 năm trở lại đây - khi thị trường bất động sản gần như đóng băng. Dù đã thu hẹp nhà xưởng, hạn chế bớt công suất, quy mô… nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không giảm, thậm chí còn lớn nhất từ trước đến nay. Số DN sản xuất vật liệu xây dựng ngừng hoạt động, giải thể, phá sản gia tăng, lao động mất việc làm, thu nhập bấp bênh.

Đơn cử, công suất thiết kế của ngành xi măng hiện khoảng 70 triệu tấn/năm, nhưng mới khai thác tiêu thụ nội địa được khoảng 45 - 46 triệu tấn/năm. Ngành gốm sứ cũng trong tình cảnh tương tự, đến nay cũng chỉ khai thác được khoảng 60 - 70% công suất thiết kế. 12 nhà máy sản xuất gạch bê tông trên cả nước với công suất thiết kế 1,5 triệu mét khối/năm cũng chỉ sản xuất 15% công suất và tiêu thụ chỉ đạt 15% lượng sản xuất. Hơn 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh nằm trong kho không tiêu thụ được.

Đặc biệt phải kể đến hàng nghìn DN, cơ sở sản xuất đá ốp lát phải dừng hoạt động bởi lượng đá ốp lát hiện đang tồn kho hơn 60 triệu m2, 50% số lao động của ngành này bị cắt giảm/mất việc làm.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh cho biết, DN vật liệu xây dựng hiện đang rất cần vốn. Việc ngân hàng giảm lãi suất vay ngắn hạn là một tín hiệu tích cực, và nếu các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 13%/năm sẽ bớt khó khăn hơn cho DN bởi trước đó DN phải tiếp cận với vốn vay lãi suất cao. Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất đã đã đẩy không ít DN lâm vào tình cảnh nợ xấu - khó trả, do vậy, dù có hạ lãi suất, DN vẫn không thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất hạ được.

Các DN trong ngành thép cũng đang ở trong tình cảnh khó khăn tương tự. Trừ những DN lớn, thương hiệu mạnh, còn lại hầu hết các DN thép đều rất khó tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp. Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi khẳng định, mặc dù một trong những kiến nghị của Hiệp hội thép nhằm giúp DN vượt qua khó khăn là giảm lãi suất vay đối với DN, nhưng khó khăn lớn nhất đối với ngành thép cần được tháo gỡ lúc này là đầu ra chứ không phải chỉ có vốn.

Hiện lượng thép xây dựng tồn kho tính đến cuối tháng 4 vẫn ở mức khá cao, khoảng trên 310.000 tấn, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Vì vậy, ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, trong đó có việc giảm thuế thu nhập DN hoặc là giảm thuế thu nhập xuống 20%.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ phía cung - nghĩa là hỗ trợ DN, cũng cần quan tâm đến phía cầu để tác động tới đầu ra, khơi thông hàng tồn kho.

Về việc điều chỉnh hạ lãi suất vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 11% về 10%, cũng như việc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 13%/năm, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, động thái của NHNN là đúng đắn, nhưng nếu không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khó có thể triển khai thực hiện từ cả phía ngân hàng và DN.

Với mức trần lãi suất huy động như hiện nay mà nếu vẫn cho vay ở mức 15-16% thì có thể gây thiệt hại cho đại đa số các DN vốn là các khách hàng rất thân thiết của các ngân hàng. Tuy nhiên để thu hẹp được khoảng cách này hay không thì quan trọng nhất là chúng ta phải tiến hành một cách nhanh và hiệu quả, thành công chương trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nói chung, và đặc biệt là các ngân hàng thương mại.

Liên quan đến việc điều chỉnh giảm lãi suất, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần phải cân nhắc khi chúng ta ép giảm lãi suất quá nhanh hoặc xuống mức quá thấp hoặc chưa hội tủ đủ các điều kiện, kể cả liên quan đến lãi suất huy động bằng VNĐ hay lãi suất huy động bằng ngoại tệ thì có thể gây ra hiệu ứng ngược, tức là dòng tiền có thể đi ra khỏi hệ thống và khi đó nó có thể gây ra những vấn đề không chỉ đối với DN sẽ khó tiếp cận được vốn tín dụng NH mà thậm chí là vấn đề lãi suất lúc ấy nó sẽ phải đảo ngược.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính khẳng định, việc có thể kéo giảm lãi suất cho vay cho đại bộ phận các DN, thông qua đó giảm bớt các chi phí vốn cho DN là hoàn toàn có thể làm được - ít nhất trong năm 2013 này. Song, đã đến lúc, bài toán của DN cần tính đến là làm sao để giảm sự lệ thuộc quá mức vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, khi mà những biến động kinh tế vĩ mô - với việc điều chỉnh lãi suất liên tục như hiện nay - có thể sẽ dẫn đến những rủi ro rất lớn cho DN. Vì vậy, DN nào càng dựa quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng thì các rủi ro liên quan đến những biến động lãi suất càng lớn, và thông qua đó sẽ liên quan tới cả vấn đề về nợ xấu và hoạt động của DN, thị trường…