Doanh nghiệp thép khỏe lên

Theo Đầu tư Chứng khoán

Giá thép tăng cao, lãi suất – chi phí vốn giảm là hai nhân tố chính giúp doanh nghiệp thép cải thiện tỷ suất sinh lời từ cuối năm 2012.

Doanh nghiệp thép khỏe lên
Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (HLA) là một điển hình của những trường hợp trên. Đại diện công ty này cho biết, lãi suất từ giữa năm 2012 đã giảm xuống trung bình 15%/năm, giúp HLA giảm chi phí tài chính từ 22 tỷ đồng/tháng xuống còn hơn 13 tỷ đồng/tháng. HLA cũng chủ động thu hồi các khoản nợ, thoái vốn ở các công ty khác để giảm lượng vốn vay xuống còn khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong 3 tháng cuối năm 2012, quý đầu của niên độ tài chính 2013, HLA ước đạt trên 10 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu như năm 2012, HLA đạt 15,7 tỷ đồng lợi nhuận, thì niên độ tài chính 2013, HLA đặt kế hoạch 34,5 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ. Thị trường tiêu thụ còn khó khăn, song HLA đang được hưởng lợi phần nào từ việc tăng giá thép nguyên liệu cho các sản phẩm thép khác. Được biết, giá thép cán nóng đã tăng từ 530 USD/tấn hồi tháng 10/2012 lên hơn 600 USD/tấn. Mặc dù có thị giá cổ phiếu dưới 6.000 đồng/CP, Hội đồng Quản trị (HĐQT) HLA vẫn trình đại hội cổ đông(tổ chức cuối tuần này) kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng việc phát hành quyền mua theo tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá. Việc này cho thấy, HĐQT HLA khá tự tin về sự khởi sắc sắp tới. Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền mua, HLA sẽ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá 10.000 đồng/CP.

Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) ngày hôm qua đã tổ chức hội nghị tri ân khách hàng và tổng kết năm 2012. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL cho biết, năm 2012 là năm rất khó khăn do ngân hàng rút vốn vay, giảm hạn mức tín dụng. DTL buộc phải sắp xếp lại nguồn vốn. Năm 2013, theo ông Nghĩa, DTL có khả năng đạt lợi nhuận cao hơn năm 2012. Công ty đã ổn định lại sản xuất cũng như sắp xếp tài chính hợp lý hơn cho phù hợp với điều kiện giảm tăng trưởng tín dụng. Ông Nghĩa vừa hoàn thành việc mua thêm 450.000 cổ phiếu DTL vào ngày 8/1, nâng tỷ lệ sở hữu tại Đại Thiên Lộc lên 41%.

Trong ngành sản xuất tôn thép thì Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần lớn, nên được hưởng lợi sớm nhất của việc lãi suất giảm. Hoa Sen đã được vay với lãi suất ngắn hạn 9%/năm từ rất sớm. Thế nên, yếu tố góp phần tăng tỷ suất lợi nhuận của HSG trong thời gian tới sẽ là giá vốn thấp, khi giá sản phẩm thép bán ra đã tăng cao hơn trong mấy tháng qua. Theo thông tin từ HSG, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu đủ cho công suất hoạt động của nhà máy trong tháng 2.

Đối với ngành thép xây dựng, bên cạnh hai yếu tố giá thép tăng và lãi suất giảm thì kỳ vọng ấm lại của thị trường bất động sản, hoạt động xây dựng cũng là yếu tố tích cực. Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo sẽ đảm bảo tiến độ triển khai giai đoạn 2 của Khu liên hiệp sản xuất thép của Tập đoàn, phấn đấu đưa lò cao thứ 2 vào hoạt động trong tháng 7 năm nay. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất của Hòa Phát trong năm nay. Trong năm 2011, Khu liên hợp giai đoạn 1 đã mang lại doanh thu hơn 5.300 tỷ đồng và 356 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 56% và 137% so với năm 2010. Sang năm 2012, dù thị trường thép gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Khu liên hợp vẫn đạt sản lượng 318.000 tấn, đem lại doanh thu 4.600 tỷ đồng, bằng 90% năm 2011 và lợi nhuận 219 tỷ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thành sẽ nâng công suất của Khu liên hợp lên 850.000 tấn phôi thép và thép xây dựng/năm. Các hạng mục xây dựng chính của Khu liên hợp đều đã hoàn thành để phục vụ công tác lắp đặt thiết bị. Nhà máy cán thép Hòa Phát số 3 (thuộc giai đoạn 2 của Khu liên hợp) cũng đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng nhà xưởng, đang lắp đặt thiết bị. Ngoài ra, bồn chứa khí than 50.000 m3 hiện đang chuẩn bị chạy thử thiết bị.

Đồng thời với việc mở rộng, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền ép than, cung cấp than cho hệ thống 10 lò sinh khí - một hạng mục quan trọng của giai đoạn 2 – Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Dây chuyền này được đầu tư để thay thế việc sử dụng than cục 4B hiện nay bằng than cám 3C, góp phần tiết kiệm khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm cho Công ty.

Những chiến lược của một Tập đoàn sản xuất lớn trong ngành thép cũng phản ánh kỳ vọng của tập đoàn này vào sự ấm lên của thị trường nội địa trong thời gian tới, nhất là về sản lượng tiêu thụ.