Doanh nghiệp thờ ơ với vi phạm sở hữu công nghiệp

Theo sgtt.vn

(Tài chính) Đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là một trong những cách thức giúp doanh nghiệp (DN) ngăn chặn được nạn hàng giả, hàng nhái với chính sản phẩm của mình. Tuy nhiên, có một thực tế nghịch lý là trong số các đơn kiến nghị các cơ quan chức năng bảo vệ và xử lý các vi phạm SHCN, có 80% là đơn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ 20% là của DN Việt Nam...

 Doanh nghiệp thờ ơ với vi phạm sở hữu công nghiệp
Tình trạng vi phạm SHCN ngày càng gia tăng. Nguồn: internet

Trong khi những cơ chế quản lý vẫn đang còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho vi phạm SHCN, thì sự thờ ơ của DN trong bảo vệ quyền SHCN đang góp phần cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng lộng hành.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, tình trạng vi phạm SHCN ngày càng gia tăng, song số DN được bảo hộ quyền SHCN đề nghị xử lý xâm hại chỉ ở mức thấp: trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 40 - 50 đơn đề nghị xử lý xâm hại. Thậm chí, ngay cả những DN lớn, là những thương hiệu có tên tuổi bị xâm phạm SHCN, như: Gucci, Boss… cũng không đề nghị xử lý.

Bỏ lửng quyền và trách nhiệm

Một thực tế cũng rất đáng suy ngẫm là Hà Nội triển khai thí điểm tuyến phố không kinh doanh hàng giả tại 4 tuyến phố, nhưng khi các lực lượng liên hệ, chỉ có 43% chủ sở hữu quyền tham gia. Có những tuyến phố được khảo sát, có 56 nhãn hiệu được bày bán, song chỉ có 8 nhãn hiệu đồng ý hợp tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ SHCN, còn lại đều từ chối tham gia.

Trong khi đó, việc phát hiện hàng hóa xâm phạm và xác định được đối tượng, địa điểm, mức độ vi phạm và thu thập chứng cứ cũng rất khó khăn, nhất là các vụ việc liên quan đến hàng nhập khẩu phải thực thi tại biên giới thông qua cơ quan hải quan. Điều này lý giải vì sao từ năm 2008 đến nay, Tổng cục Hải quan mới chỉ tiếp nhận và xử lý 70 đơn yêu cầu kiểm tra giám sát hàng nhập khẩu.

Theo ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, để xử lý việc xâm phạm quyền SHCN, cần có sự tham gia của chủ thể quyền trong 3 khâu: có căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình; đủ chứng cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm; xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ.

Song khi các cơ quan chức năng bắt giữ hàng bị xâm phạm, phần lớn DN lại không xác nhận hàng hóa, nên có những trường hợp dù biết là hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn không xử là hàng giả được, mà xử là hàng lậu rồi lại đem bán ra thị trường.

"Hiện các DN mới chỉ tập trung đăng ký bảo hộ, nhưng lại không có biện pháp chống sao chép nên rất hay bị làm giả. Còn có tâm lý cho rằng việc bảo vệ quyền SHCN là trách nhiệm của cơ quan chức năng, nên rất ít DN thực thi quyền của mình, đặc biệt là DN trong nước", ông Dũng nói.

Do vậy, số vụ vi phạm SHCN ngày càng gia tăng và có tính chất phức tạp. Hầu hết đối tượng vi phạm đều chủ động đặt hàng từ Trung Quốc giả mạo nhãn hiệu, hoặc hoàn thiện nhãn mác cuối cùng trước khi đưa ra thị trường, với số lượng và giá trị lớn lên đến hàng nghìn sản phẩm.

Đáng chú ý, hàng xâm phạm SHCN được bày bán công khai tại các trung tâm thương mại, các tuyến phố trung tâm. Những đối tượng vi phạm cũng mở rộng, bao gồm cả lãnh đạo DN, là những chuyên gia, kỹ thuật viên cấp cao tại nhiều lĩnh vực, tại những cơ sở sản xuất có quy mô trang thiết bị khá hiện đại.

Mạnh ai nấy... xử lý?!

Trong khi không ít DN vẫn thờ ơ với việc phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý các vi phạm SHCN, thì những bất cập trong quy định quản lý cũng đang làm cho vi phạm SHCN ngày càng gia tăng. Nhiều hàng hóa vi phạm SHCN được nhập khẩu, song cơ quan hải quan lại không được bắt buộc phải ghi nhãn hiệu hàng trên tờ khai hải quan, không được tự ý chủ động dừng thông quan nếu chủ thể quyền không đề nghị.

Hoặc cũng không có quy định nếu thấy nghi ngờ dấu hiệu vi phạm thì phải thông báo cho cơ quan khác kiểm soát sau thông quan, nên hàng hóa vi phạm quyền SHCN qua thông quan và đưa vào lưu thông vẫn tồn tại lớn. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan, địa phương cũng còn bất cập khi chưa có một cơ chế thống nhất khi phải xử lý xâm phạm trên nhiều địa bàn.

Ngoài ra, quy định xử lý đối tượng cũng còn bất cập, như khi định giá hàng vi phạm để truy cứu trách nhiệm thì người sản xuất hàng giả lại chỉ chịu mức xử phạt nhẹ hơn người kinh doanh (trong khi mức độ và tính chất vi phạm cao hơn).

Việc nâng mức xử phạt người sản xuất, kinh doanh hàng giả có giá trị tương đương 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng mới bị phạt tù cũng khiến cho tội phạm làm giả gia tăng. Theo tính toán, với mức quy định tăng lên, phải bắt được 1.250 đôi giày mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa kể có những hàng giả mạo được xuất nhập lậu, đang trên đường vận chuyển không có hóa đơn chứng từ nên khó định giá.

Chỉ thị 853 về đấu tranh buôn lậu đã có hiệu lực được 17 năm, song đến nay vẫn chưa có cơ quan nào tập hợp được danh tính các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, xâm phạm quyền SHCN, cũng như thủ đoạn buôn lậu trên các tuyến.

Trong khi các đối tượng hoạt động thường có tổ chức, dễ tái phạm, nhưng với nhiều đầu mối chống SHCN, ai phát hiện được việc gì làm việc nấy, và chỉ làm theo yêu cầu đề nghị của DN, thì việc xử lý vi phạm SHCN, ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn chỉ như "ném đá ao bèo".