Doanh nghiệp thực phẩm dồn sức cuối năm

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Các doanh nghiệp (DN) thực phẩm có vốn đầu tư nước ngoài đang chờ xem sự “mệt mỏi” của DN trong nước để tung ra các sản phẩm bất ngờ vào phút cuối. Chỉ còn một vài tháng nữa là đến Tết nhưng những DN FDI này vẫn im hơi lặng tiếng, chưa tiết lộ kế hoạch.

Doanh nghiệp thực phẩm dồn sức cuối năm
Sản phẩm tiêu dùng đang cạnh tranh hệ thống phân phối với DN ngoại. Nguồn: internet

Kinh doanh mùa khó

Mùa bánh trung thu vốn được xem là dịp “hốt bạc” trong năm với các DN bánh kẹo vừa kết thúc. Theo nhận định của nhiều DN, tiêu thụ năm nay chậm hơn so với mọi năm. Thị trường bán lẻ còn đầy dãy khó khăn không phải là nguyên nhân chính khiến người dân giảm chi tiêu cho mặt hàng truyền thống này.

Bởi những DN không kinh doanh bánh trung thu như Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên không bị sụt giảm tiêu thụ. Ông Lưu Huỳnh, Giám đốc Marketing Công ty Phạm Nguyên cho biết, doanh số trong tháng qua của DN còn tăng hơn 20% so với tháng trước và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN cho biết, tiêu thụ bánh trung thu sụt giảm có nguyên nhân bởi thông tin bánh trung thu Trung Quốc tồn kho từ vài năm trước đã được tuồn vào thị trường Việt Nam…

Nhưng mùa Trung thu đã qua, trong khi dịp Tết Nguyên đán lại đang đến gần. Cơ hội “hốt cú chót” cho các DN thực phẩm trong năm nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, như kế hoạch sản phẩm như thế nào, rồi chiến lược giá…

Ông Huỳnh thừa nhận, tình hình thị trường nói chung đặt ra cho công ty phải tính toán kỹ lưỡng cho kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa sao cho phù hợp vào dịp Tết 2014. Vào thời điểm này, Phạm Nguyên đã chú trọng cho ra đời những dòng sản phẩm Tết với thiết kế đẹp, chất lượng cao nhưng quan trọng là giá thành hợp lý với túi tiền của người tiêu dùng.

Với những thay đổi này, Phạm Nguyên dự kiến sẽ tăng sản lượng khoảng 40% so với mùa Tết năm trước. Hiện Phạm Nguyên đang phát huy tối đa công suất máy móc thiết bị để đảm bảo lượng tồn kho theo kế hoạch tiêu thụ.

Không được tự tin như Phạm Nguyên, hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kỹ nghệ súc sản Vissan (Vissan) cũng đang rục rịch bước vào giai đoạn chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm. Ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc Vissan cho rằng, thăm dò sức mua của thị trường đối với mặt hàng thực phẩm từ đầu năm đến nay có tăng nhưng không đáng kể. Vì vậy, chiến lược vào mùa cao điểm sắp tới Vissan sẽ áp dụng chỉ số tăng riêng cho từng mặt hàng chứ không tăng đồng loạt.

Cụ thể, với mặt hàng thịt heo (lợn) tươi sống, công ty sẽ cung ứng ra thị trường 570 tấn (tăng 7%), thịt bò 151 tấn (tăng 4%). Với nhóm thực phẩm chế biến sẵn các loại, công ty sẽ chuẩn bị 3.666 tấn các sản phẩm đặc trưng phục vụ ngày Tết như lạp xưởng, xúc xích, giò, chả, dưa góp, thịt nguội…

Tuy nhiên, do nhận định sức mua còn hạn chế, Vissan lên kế hoạch chủ động tung ra những sản phẩm có sức hút với thị trường như nhập khẩu thịt bò Úc siêu sạch, giò bò, chả lụa với hương vị truyền thống quê hương… DN cũng sẽ tung nhiều chiêu thức giảm giá, khuyến mãi để tăng sức cầu cho thị trường và phần nào giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng.

Thích ứng để tồn tại

Tổng cục Thống kê cho hay, 8 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất chế biến đồ uống tăng tương ứng 9,5%. Cũng theo nguồn tin này, chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng thực phẩm 8 tháng năm 2013 so với cùng kỳ tăng 2,01%.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia về thị trường cho rằng việc điều tiết nguồn cầu, lựa chọn những sản phẩm phù hợp, hạ giá thành sao cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới là việc làm thích hợp của các DN nói chung và ngành hàng thực phẩm nói riêng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Theo Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), tình hình sản xuất, kinh doanh ngành hàng này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Một phần do sức mua suy giảm nên các DN phải co cụm sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc xoay xở sang một số mặt hàng dễ tiêu thụ hơn nhằm giảm áp lực hàng tồn kho.

Dù dịp Tết đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chắc chắn sẽ gia tăng nhưng không phải nhiều DN dám mạnh dạn bung ra lượng hàng lớn. Theo một DN sản xuất bánh kẹo, đồ uống tại Tp. Hồ Chí Minh, thông thường như những năm trước, lượng hàng tung ra thị trường vào dịp Tết so với ngày thường có khi tăng đến một vài lần. Nhưng vào mùa cao điểm sắp tới, nhiều DN cũng chỉ dám tăng thêm 30 - 50% để tránh lượng hàng tồn kho sẽ dồn sang năm sau.

Thêm vào đó, DN thực phẩm còn gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu thu mua không ổn định, tiền thuê mặt bằng lớn, chi phí vận chuyển, điện, nước, nhân công cao dẫn đến DN không thể đánh liều với bài toán cung ứng hàng hóa một cách ồ ạt, tràn lan ra thị trường. Bởi với các DN, mỗi sản phẩm sản xuất ra không bán được, nằm trong kho sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn duy trì hoạt động của họ…

Khôn ngoan hơn, các DN thực phẩm có vốn đầu tư nước ngoài đang chờ xem sự “mệt mỏi” của DN trong nước để tung ra các sản phẩm len lỏi vào các phân khúc, thị trường ngách hoặc tung ra những chiêu bất ngờ vào phút cuối. Chính vì vậy, chỉ còn một vài tháng nữa là đến Tết nhưng những DN FDI này vẫn im hơi lặng tiếng, chưa tiết lộ kế hoạch kinh doanh vào dịp Tết này ra sao.

Song có một điều chắc chắn, nếu DN thực phẩm trong nước không nhanh chóng xốc lại tinh thần, chuẩn bị chiến lược bài bản thì có thể đến lúc nào đó, miếng bánh thị phần sẽ bị “xâu xé” bởi những DN FDI.