Doanh nghiệp trong dòng chảy hội nhập FTA: Sáng tạo - chìa khóa thành công

Theo daibieunhandan.vn

TS. Trần Du Lịch cho rằng, dòng chảy hội nhập các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng chúng ta đang ở trong thời đại mà sự “thắng thua” trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp.

Có tận dụng được cơ hội?

Phóng viên: Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với không ít thách thức khi chính thức thực thi các FTA thế hệ mới, thưa ông?

TS. Trần Du Lịch: Trong hội nhập, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp là giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là doanh nghiệp có tận dụng được không. Đây chính là một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cần tận dụng sân chơi khu vực và toàn cầu để thực hiện chiến lược của nền kinh tế theo hướng xuất khẩu.

Đồng thời cần tiếp tục tận dụng và phát huy khai thác tiềm năng thị trường thế giới với dư địa to lớn. Thị trường các nước thành viên WTO đã chiếm trên 95% tổng thương mại thế giới; thị trường 12 nước Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm 30% thị trường thế giới, trong đó có 7/11 thị trường chúng ta đang xuất siêu.

Nhất là trong bối cảnh sắp tới, với các FTA thế hệ mới đã ký kết đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải nhận thức được mình phải chọn chỗ đứng thế nào trong chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị này không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.

Với khuôn khổ thể chế và nguyên tắc hoạt động của WTO và các FTA thế hệ mới đã và đang ký kết, nhất là TPP, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy những ưu điểm như sự năng động, nhạy bén, sáng tạo, tính linh hoạt trong kinh doanh cùng với lợi thế lao động rẻ để đẩy nhanh tốc độ xâm nhập thị trường thế giới.

Mở rộng xuất khẩu không chỉ đạt mục tiêu mở rộng thị trường nước ngoài, mà còn kích thích mở rộng thị trường nội địa. Quy mô thị trường nội địa nước ta tuy không lớn (khoảng 70 tỷ USD), nhưng triển vọng tăng trưởng rất cao cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế do khuynh hướng tiêu thụ cao.

Trong hội nhập, các doanh nghiệp phải cạnh tranh trên 3 thị trường: Thị trường nội địa; thị trường của quốc gia đối tác và thị trường ở nước thứ ba. Trong mối quan hệ này, cùng với việc mở cửa thị trường nội địa, sẽ tác động nâng quy mô thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh và tự thân yếu tố thị trường sẽ tác động đến chiến lược cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đối với từng doanh nghiệp.

Cho nên cạnh tranh trong TPP sắp tới không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn mà trong TPP có một chương riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Để có thể giúp các DNVVN sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh, thời gian tới Nhà nước cần phải thay đổi cách làm, phương thức hỗ trợ, tư duy quản lý.

Nếu không thay đổi, cách tái cấu trúc, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khó có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm. Nếu chúng ta không có một nền hành chính công tốt để hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ khó khăn theo.

Những thách thức này có xuất phát từ bản chất việc thay đổi được hay không phụ thuộc vào việc thay đổi thể chế kinh tế? Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tựa đề “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta” cho thấy, thay đổi cuối cùng là thay đổi thể chế quản trị từ cơ chế quản lý nhà nước sang tư duy quản trị đất nước. Vậy, vai trò của cải cách thể chế trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thị trường tới đây như thế nào?

Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng gần đây về việc chuẩn bị cho TPP. Tôi đồng tình và cho rằng, Nhà nước phải kiến tạo và phát triển; bổ khuyết cho những khuyết tật của thị trường trong phân bổ nguồn lực. Cốt lõi của thay đổi phương thức quản trị công là chuyển nền hành chính phục vụ sang dịch vụ công mang tính phục vụ. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò người cung cấp dịch vụ mà “thượng đế” chính là doanh nghiệp, còn người dân hưởng thụ dịch vụ công thông qua việc đóng thuế của họ.

Nhận thức như vậy mới có thể cải cách bộ máy hành chính. Hiện thể chế luật pháp về kinh tế của Việt Nam đã sửa đổi tương đối đồng bộ và phù hợp với thông lệ chung. Tuy nhiên, vẫn còn 2 tồn tại lớn.

Thứ nhất, nền hành chính quốc gia chưa có cải cách một cách tương ứng. Chúng ta vẫn chồng chéo về chức năng, trùng lặp về công vụ và đặc biệt một bộ máy công kềnh không cải cách được tiền lương, nâng cao về chất lượng.

Thứ hai, nền tài chính công phải thay đổi đặc biệt là kỷ luật về chi tiêu nhà nước. Làm sao để chi tiêu nhà nước hợp lý, người dân thấy được tiền đóng thuế của họ tương xứng, không lãng phí. Do đó, thời gian tới hai vấn đề đó cần được tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn nữa để cùng với cải cách thể chế kinh tế tạo thành thế “kiềng ba chân” trong hệ thống cải cách mới đạt được kỳ vọng của chúng ta trong cải cách quốc gia.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Với việc hội nhập ASEAN và tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang khó khăn ngay chính tại sân nhà, như nhiều hệ thống phân phối bán lẻ trong nước đã và đang bán cho nước ngoài… Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì?

Doanh nghiệp trong nước đang tồn tại không ít yếu kém và thời gian tới có nguy cơ bị chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài. Nguyên nhân do năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước đa phần còn yếu, nhất là đối với những ngành công nghệ kỹ thuật cao, thâm dụng vốn; các ngành dịch vụ cao cấp. Khả năng quản lý và nguồn nhân lực là những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

Trình độ quản lý nhìn chung chưa theo kịp với tiến trình toàn cầu hóa. Một trong những khó khăn nữa là hầu hết doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về các quy định liên quan đến hội nhập. Hiểu và xử lý tốt các khía cạnh pháp lý là một điểm yếu lớn của các doanh nghiệp trong nước. Trong hội nhập, thiếu hiểu biết về luật lệ sẽ là một bất lợi lớn. Thua thiệt trong các tranh chấp pháp lý là điều khó tránh khỏi, doanh nghiệp đừng để chết vì thiếu hiểu biết.

Ngoại trừ hoạt động xuất khẩu, đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, trên thế giới có đến 63.000 các công ty đa quốc gia với 800.000 chi nhánh ở khắp các châu lục; nắm giữ 80% thương mại quốc tế, 90% vốn đầu tư và công nghệ thế giới.

Trong mối tương quan như vậy, là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam dễ bị phụ thuộc vào các tập đoàn lớn, nếu không xây dựng được chiến lược cạnh tranh thích hợp và thiếu tính liên kết mang tính hệ thống. Cùng với đó là sự yếu kém của hệ thống phân phối nội địa.

Đang có nguy cơ mất dần hệ thống phân phối nội địa, khi mở cửa thị trường nội địa cho các tập đoàn thương mại quốc tế. Điều này đã và đang diễn ra ở các nền kinh tế mạnh của khu vực như Thái Lan, Trung Quốc… Vì sản xuất phụ thuộc vào tiêu thụ, nên sẽ phụ thuộc vào hệ thống phân phối do các tập đoàn thương mại nước ngoài chi phối.

Do đó, ngoài việc mở cửa xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần tập trung khuyến khích phát triển và mở rộng thị trường nội địa. Mấu chốt phát triển thị trường nội địa là mạng phân phối nội địa. Hiện nay, các mạng phân phối đang thay các chợ truyền thống.

Mặc dù mới chiếm 25% thị phần so với tổng thương mại nội địa nhưng xu hướng này sẽ phát triển rất nhanh và sẽ tác động tới sản xuất, bởi các hệ thống phân phối, mạng phân phối sẽ là nơi đặt hàng cho sản xuất.

Các DNVVN cũng không ngoại lệ với cơ hội này, thưa ông?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục một khuyết điểm là thiếu liên kết, thiếu hợp tác; đặc biệt là các DNVVN. Theo đó, trước mắt, cần phát triển dựa trên sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn, tham gia chuỗi giá trị lớn hơn; không doanh nghiệp nào làm tất cả các khâu mà cần có sự phân công, phân bổ công việc.

Tùy theo vị trí mà doanh nghiệp chọn trên chuỗi đó để phát triển, khắc phục khuyết điểm gặp phải khi làm riêng và không liên kết. Từ đó, phát triển trở thành doanh nghiệp chuyên sâu, sản xuất sản phẩm chuyên biệt cho chuỗi và mở rộng phát triển ra nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị của mình.

Ví dụ như nông dân hiện nay nếu không liên kết với các tổ chức hợp tác xã, khó có thể tồn tại kinh tế hộ để tăng tính cạnh tranh. Đó chính là nhược điểm các doanh nghiệp Việt cần khắc phục, nhất là DNVVN.

Xin cám ơn ông!