Doanh nghiệp Trung Quốc đón sóng TPP ở Việt Nam

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Ngày 30/8 vừa qua, cuộc đàm phán lần thứ 19 của Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 nước tham gia tại Brunei đã kết thúc mà không có tiến triển. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng khả năng Việt Nam tham gia TPP là rất cao.

Doanh nghiệp Trung Quốc đón sóng TPP ở Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Và trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng để đón nhận hiệu ứng từ TPP thì những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã rất nhanh chân. Theo hãng tin Bloomberg, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có một sự chuẩn bị từ khá sớm cho hiệp định này. Nhờ sự chuẩn bị này, một số ông chủ đã trở thành tỉ phú đô-la mới ở Trung Quốc. Và một trong số đó là Hong Tianzhu, Chủ tịch tập đoàn dệt may Trung Quốc Texhong Textile.

Tiêu điểm dệt may

Theo Bloomberg, giá cổ phiếu của Texhong Textile đã tăng 445% trong 12 tháng qua. Và giá trị tài sản ròng của người đồng sáng lập kiêm cổ đông lớn nhất của Công ty là Hong Tianzhu lên mức 1 tỉ USD.

Các công ty dệt ở Trung Quốc, nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do chính sách mua bông giá cao của Chính phủ nước này nhằm giúp nông dân trồng bông tránh khỏi tình trạng giá bông sụt giảm. Chính sách đó đã khiến giá bông ở Trung Quốc cao hơn giá bông ở Việt Nam khoảng 75%.

“Texhong đã đi rất sớm trong việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài, chủ yếu là ở Việt Nam. Công ty đã tận dụng được chênh lệch giá bông, bằng cách mua bông ở Việt Nam và bán sản phẩm ở Trung Quốc”, Dennis Lam, chuyên gia phân tích thuộc công ty chứng khoán DBS Vickers Hồng Kông, nhận xét.

Giữa năm ngoái, nhà máy sản xuất sợi giai đoạn 1 của Công ty Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Texhong Textile đã được khởi công tại Quảng Ninh với vốn đầu tư 300 triệu USD, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên đến con số 4.

Tuy nhiên, thành công nhờ giá bông của ông chủ Texhong Textile có lẽ chỉ mới là một sự khởi đầu may mắn. Đích nhắm cuối cùng của việc mở nhà máy ở Việt Nam chính là TPP. “Hàng dệt may Việt Nam hiện đã được hưởng thuế suất 0% vào Trung Quốc. Nếu được miễn thuế khi xuất sang Mỹ, kế hoạch mở rộng công suất của chúng tôi là chưa đủ”, ông Tianzhu cho biết.

Không chỉ có Texhong, tháng 11/2012 Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Shengzhou), Trung Quốc liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam cũng đã thành lập Công ty Cổ phần Dệt Nhuộm Thiên Nam Sunrise. Công ty có tổng đầu tư 24 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất vải dệt thoi công suất 1 triệu mét/tháng và vải dệt kim công suất 300 tấn/tháng.

Gần đây, Tập đoàn Crystal (Hồng Kông) cho biết sẽ đầu tư khoảng 425 triệu USD vào dự án dệt Pacific Crystal và 120 triệu USD vào dự án may Tinh Lợi mở rộng, sử dụng hơn 70 ha đất tại Khu Công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương.

“Ba năm trước, nhận xét chung của các doanh nhân Trung Quốc là việc đầu tư vào Việt Nam là “thừa”. Tuy nhiên, 6 tháng vừa qua, tôi nhận liên tiếp những cuộc gọi và viếng thăm của doanh nhân Trung Quốc. Họ bắt đầu quan tâm đến việc thiết lập nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP”, Tiến sĩ Alan Phan, người có nhiều kinh nghiệm về thị trường Trung Quốc, cho biết.

Không chỉ vì TPP

Tuy nhiên, có vẻ như đầu tư vào Việt Nam không chỉ có nguyên nhân từ TPP. Theo Hiệp định TPP, ngành dệt may, da giày và nông sản là những lĩnh vực Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất nếu vào được TPP, trong khi đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam không dừng lại ở những ngành này.

Một trong những dự án tiêu biểu của doanh nghiệp Trung Quốc là Khu Công nghiệp Long Giang tại tỉnh Tiền Giang. Đây là khu công nghiệp do công ty Long Giang (Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Trong số 14 doanh nghiệp đang đầu tư vào đây, có đến 9 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ vải sợi, chế biến thực phẩm cho đến công nghệ chế biến.

Mới đây, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị thẩm tra khi nhận được yêu cầu đầu tư dự án sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời tại Khu Công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng của Công ty TNHH Tập đoàn Powerway (Trung Quốc). Dự án có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 69.401 m2. Nhu cầu lao động vào khoảng 678 người.

Bên cạnh vốn đầu tư trực tiếp vào những ngành công nghiệp, một thực tế khác cũng cho thấy nguồn vốn của Trung Quốc vào Việt Nam không hẳn vì TPP, đó là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khoản đầu tư lên đến 37 triệu USD từ Quỹ đầu tư EXS (Hồng Kông) vào Công ty Bất động sản Sơn Kim là một ví dụ.

Một số quỹ đầu tư Hồng Kông đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Theo trang AsiaInvest chuyên cung cấp dịch vụ trọn gói trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập và huy động vốn quốc tế, có 2 quỹ đầu tư của Hồng Kông đang muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn có thể giải ngân vào khoảng 70 triệu USD.

Đâu là nguyên nhân khiến đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh? Theo China Daily, giá nhân công tăng nhưng nhu cầu xuất khẩu giảm tại Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất hoặc đã di dời hoặc đang tính tới chuyện di dời sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Hứa Khải Tùng, Tham tán Kinh tế Thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam), năm 2012, số nhà đầu tư Trung Quốc mới đầu tư vào Việt Nam đã tăng 147%. Trong 4 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh và đây chỉ là bước khởi đầu”, ông Tùng cho biết.