Doanh nghiệp trước thách thức bắt kịp xu hướng người tiêu dùng

Theo thoibaonganhang.vn

Theo Báo cáo Tương lai nhu cầu người tiêu dùng của HSBC, các doanh nghiệp nên bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai khi tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy 90% dân số thế giới trở thành tầng lớp người tiêu dùng hiện đại vào năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Báo cáo cho rằng, thay đổi về đặc điểm nhân khẩu học và hành vi người tiêu dùng sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong vài thập kỷ tới đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho một số chiến lược tiếp thị kiểu cũ trước đây.

Thực hiện bởi công ty tư vấn Trajectory thông qua một số phỏng vấn chi tiết với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và khảo sát trên 90.000 người tiêu dùng, bản báo cáo đề cập đến bốn xu hướng chính hình thành nên cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp.

Đó là: Tốc độ tăng nhanh của tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập trung bình trên thế giới, cụ thể tại các thị trường mới nổi; Sự phát triển của công nghệ số đang thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng tìm kiếm, chọn lựa và thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ; Các thế hệ khác nhau thể hiện các hành vi tiêu dùng khác nhau; Sức mua hàng của phụ nữ tăng cao khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động.

Noel Quinn, Giám đốc Toàn cầu Khối Ngân hàng Doanh nghiệp của HSBC cho biết: “Các doanh nghiệp, cho dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới cần hiểu thị hiếu và kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi như thế nào, để từ đó có sự thay đổi phù hợp.

Những thị hiếu và kỳ vọng này luôn thay đổi, do đó, các doanh nghiệp cần cho khách hàng và các nhà đầu tư thấy rằng họ luôn sẵn sàng để có sự nhận biết và sáng tạo phù hợp.”

Nhiều tổ chức, trong đó có WB xem mức thu nhập 2 USD/ngày là mức cơ bản để phân biệt một người có mức thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tồn tại với một người là người tiêu dùng có khả năng mua sắm hàng hóa và dịch vụ.

Dựa trên số liệu dân số của Liên Hiệp Quốc, Trajectory ước tính số người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ tăng từ ít hơn 5 tỷ người vào năm 2001 lên hơn 7 tỷ người vào năm 2020.

Sự tăng trưởng của tầng lớp người tiêu dùng thu nhập trung bình (là những người có thu nhập 10-20 USD/ngày) hiện tại chiếm 1/7 dân số thế giới nhưng dự báo sẽ đạt mức 3,2 tỷ người vào năm 2020, và lên đến 4,9 tỷ người một thập kỷ sau đó.

Với con số này, sức mua của người tiêu dùng sẽ tác động mạnh lên chiến lược của các doanh nghiệp, đặc biệt tại châu Á, nơi sinh sống của đại bộ phận người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp chuyển đổi sự tập trung hướng đến đối tượng người tiêu dùng này sẽ cần phải xem xét ảnh hưởng của khác biệt văn hóa lên sở thích mua hàng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ số, tốc độ tăng trưởng nhanh của số người dùng internet, đặc biệt là những người sử dụng thiết bị di động cũng đồng nghĩa với việc người mua hàng đang có nhiều lựa chọn hơn và có nhiều thông tin mua hàng hơn bao giờ hết.

Đến năm 2020, ước tính khoảng 6,1 tỷ người sẽ sử dụng điện thoại thông minh. Thế hệ Z - những người sinh giữa thập niên 1990 và 2000 sẽ lớn lên và là những người sử dụng thành thạo công nghệ số, từ đó hình thành kỳ vọng của thế hệ này về tính đơn giản và khả năng tiếp cận nhanh.

Ngoài ra, sức mạnh kinh tế của phụ nữ trên thế giới đang gia tăng đáng kể, kéo theo tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Thu nhập của phụ nữ toàn cầu sẽ tăng từ 12.000 tỷ USD năm 2010 lên 18.000 tỷ USD vào năm 2018. Các doanh nghiệp muốn nhắm đến phân khúc khách hàng này cần phải hiểu rõ phong cách sống xu hướng tiêu dùng của phụ nữ.