Doanh nghiệp trước yêu cầu tất yếu

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Để phát triển và hội nhập trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là cần nhanh chóng tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu suất kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng của năm 2013, cả nước có 71.018 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 359.470 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2012; có 54.932 DN hoàn thành thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012. 

Cũng trong thời gian này, số DN ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động là 12.709 DN, tăng 8,2% so với 2012. Điều này cho thấy số DN đăng kí mới và hoạt động trở lại trong năm 2013 không còn diễn biến một chiều với tỷ trọng lớn các DN giải thể và ngưng hoạt động như năm 2012.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2013, nhiều DN, nhất là DN nhỏ chưa thực sự coi trọng tái cấu trúc nên đã bị bật khỏi thị trường do sức ép của cạnh tranh.

Tình trạng này có thể sẽ diễn ra nặng nề hơn khi nước ta đang trong quá trình tham gia đàm phán nhiều hiệp định lớn, trong đó có Hiệp định TPP với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Vì vậy, vấn đề tái cấu trúc đặt ra không chỉ với các DN đang gặp khó khăn, DN nhỏ mà cả đối với các DN lớn trong mục tiêu phát triển bền vững.

Ở đây cũng cần nhắc tới “sức mạnh” của các DN FDI. Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách kinh tế Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, các DN FDI có nhiều lợi thế nhưng điều đáng chú ý nhất là khả năng quản trị và thích ứng với môi trường kinh doanh của khối DN này tốt hơn DN Việt Nam rất nhiều.

Mặt khác, trong khi TPP đang còn đàm phán thì nhiều DN nước ngoài đã mạnh tay rót vốn vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội, trong khi đó hầu hết các DN Việt Nam còn rất mơ hồ về TPP và chưa thực sự chuyển mình, trong đó tái cấu trúc là động thái đầu tiên của quá trình đổi mới để đón đầu cơ hội này.

Trong bối cảnh như vậy, các DN trong nước không còn lựa chọn nào khác là phải nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc nếu muốn tồn tại và phát triển theo kịp với xu thế của nền kinh tế hiện đại.

Một giải pháp tái cấu trúc hiện nay đang được nhiều DN nhỏ và vừa tận dụng và phát huy là lên phương án tìm kiếm đối tác, cùng chia sẻ gánh nặng bằng nguồn lực mới. Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) công khai và không công khai diễn ra rầm rộ thời gian vừa qua cũng cho thấy các DN đang tích cực thực hiện tái cấu trúc.

Điển hình là những thương vụ như quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus mua cổ phần của Vincom Retails; Bank of Tokyo Mitsuibishi UFJ mua cổ phần của Vietinbank.

Theo ông David Blackhall, Giám đốc điều hành Vinaland Limited (thuộc Tập đoàn VinaCapital), đây là những thương vụ M&A có ý nghĩa quan trọng, mang theo niềm tin về môi trường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ DN Việt Nam thực hiện tái cấu trúc.