Doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa xã hội lớn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 96% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta. Khu vực này cũng có ý nghĩa xã hội lớn là tạo doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa xã hội lớn
Doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 96% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nguồn: internet
Doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp và cũng tạo ra một lượng lớn việc làm cho thị trường lao động. Hiện nay, khu vực tư nhân đã tạo ra được 14,5 triệu việc làm cho người lao động, chiếm 76,7% việc làm phi nông nghiệp. Trong giai đoạn 2002-2012, tiến trình tái cơ cấu đầu tư đã đạt được một số kết quả, chủ yếu là giảm tỷ trọng đầu tư/GDP, thay đổi cơ cấu đầu tư theo chủ thể đầu tư và nguồn vốn. Cụ thể, năm 2013, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước đã đạt mức 37,6%, tăng 14,5% so với năm 2000 và thực sự trở thành bộ phận đóng góp lớn trong tổng vốn đầu tư của cả nước. 

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự bền vững và hiện là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể ngày càng cao, chỉ tính riêng trong năm 2013, có 60.737 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2012. Quy mô vốn trung bình trong khu vực này cũng giảm 3,6%, từ mức 25 tỷ đồng/doanh nghiệp xuống 24 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ (xét theo quy mô lao động) tiếp tục có xu hướng tăng, từ 94% lên 95,8%. Sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của khu vực tư nhân vẫn chưa theo kịp sự phát triển chung của khu vực và thế giới; thấp hơn mức trung bình của các nước đang phát triển - dựa theo yếu tố đầu vào. Việc hợp tác kinh doanh, gắn kết với chuỗi cung ứng hay mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu của các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu.

Điểm đáng chú ý là tính phi chính thức của khu vực tư nhân không có chiều hướng cải thiện. Trong số 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay có 1,25 triệu hộ đăng ký kinh doanh/có mã số thuế, chiếm 27%. Trên thực tế, các hộ kinh doanh cá thể này hoạt động gần như doanh nghiệp, tuy quy mô nhỏ. Vậy tại sao các đơn vị này không đăng ký hoạt động một cách chính thức đầy đủ? Nhà nước phải có động thái gì để khuyến khích khu vực này phát triển thành doanh nghiệp có hình thức pháp lý hiện đại hơn như doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh?...

Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh và bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19 của Chính phủ. Ban hành chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường, góp phần kích cầu doanh nghiệp thông qua tăng cường đào tạo nhằm cải thiện các kỹ năng quản lý, được đối xử, bình đẳng, thay vì thiên vị doanh nghiệp Nhà nước, FDI tại nhiều địa bàn như hiện nay. Đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích giảm tính phi chính thức của khu vực hộ kinh doanh cá thể. Triển khai các công cụ tài chính hỗ trợ phù hợp từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư tư nhân. Tăng cường kết nối theo chiều dọc và chiều ngang giữa các hiệp hội, chuỗi cung ứng với doanh nghiệp tư nhân để mở rộng thị trường cho các đơn vị này. Có chính sách nhằm tạo điều kiện tiết kiệm nguồn lực của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước quy mô nhỏ, thông qua triển khai chung chuyên môn kỹ thuật, chia sẻ chi phí. Và, cần mở rộng khả năng đáp ứng của Chính phủ trong huy động các nguồn lực công - tư.

Doanh nghiệp tư nhân tuy đóng góp vào GDP khiêm tốn, nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn là tạo doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Do đó, Nhà nước, với vai trò bà đỡ, cần đưa ra những định hướng ưu tiên phát triển, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tư nhân tìm được cơ hội kinh doanh tốt, có điều kiện thuận lợi để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và bền vững.