Doanh nghiệp và nỗi lo đường dài

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Cả 2 khu vực kinh tế trong nước đều đang lép vế so với khối FDI...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tốc độ "li ti hoá" nhanh hơn

Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 19/9 cho thấy, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012. Đặc biệt với gần 517.900 DN đang tồn tại, khu vực DN có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, tăng 176.300 DN, tương ứng tăng 51,6% so với năm 2012; thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% (tương đương 3,1 triệu người).

 

Mặc dù xét trên bình diện chung, sự tăng trưởng nhanh của đơn vị kinh tế là tích cực, song khi phân tích kỹ theo quy mô và loại hình DN, có rất nhiều vấn đề đặt ra về khả năng phát triển bền vững của khu vực DN, cũng như khả năng đi đường dài của khối DN tư nhân trong nước.

Bởi lẽ nếu xét về quy mô, trong suốt giai đoạn 2012-2017, tình trạng li ti hoá của khu vực DN đang có chiều hướng nhanh hơn. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 1/1/2017, cả nước chỉ có 10.100 DN lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%; còn lại là DNNVV với 507.860 DN, chiếm 98,1%.

Điều đáng lo ngại hơn là tốc độ tăng của DNNVV lên tới 52,1% so với thời điểm 1/1/2012, vượt xa so với tốc độ tăng của DN lớn là 29,6%. Rõ ràng nếu vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng như vậy, tốc độ li ti hoá DN sẽ còn nhanh hơn giai đoạn vừa qua.

Xét theo loại hình DN, kết quả từ tổng điều tra cho thấy, giai đoạn 2011-2016 xu hướng chuyển dịch cơ cấu loại hình kinh tế đã thể hiện đúng chủ trương của nhà nước. Cụ thể DNNN giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Trong khi khu vực DN ngoài nhà nước, đặc biệt là DNNVV, DN FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa quy mô và đóng góp của khu vực DN ngoài nhà nước so với DNNN và DN FDI, có thể thấy rất rõ sự yếu ớt của khối DN này. Đặc biệt, cả 2 khu vực kinh tế trong nước đều đang lép vế so với khối FDI. Thể hiện qua tỷ lệ đóng góp của khu vực DN FDI trong toàn bộ khu vực DN đối với các chỉ số cơ bản tăng dần trong giai đoạn 2011-2016.

Cụ thể mặc dù số DN giữ ổn định với 2,8% trong giai đoạn khảo sát, song số lao động của khu vực này tăng từ 23,6% lên 29,7%; vốn sản xuất kinh doanh từ 16,1% lên 18,1%; doanh thu thuần từ 19,7% lên 27,4%. Tuy nhiên, dù lợi nhuận trước thuế của khu vực này tăng mạnh nhất, từ 31,5% lên 45,9%, song thuế và đóng góp cho ngân sách nhà nước lại giảm từ 32,2% xuống 29,1%.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó thành

Một lo ngại khác được cơ quan thống kê đặt ra là mục tiêu cả nước có 1 triệu DN vào năm 2020 có khả năng không thể đạt được. Ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp phân tích, cho đến nay cả nước có hơn 517.000 DN. Như vậy để đạt mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020 bình quân mỗi năm phải có khoảng 130.000 DN thành lập mới. Tuy nhiên nếu cứ giữ tốc độ thành lập cũng như giải thể, phá sản DN như hiện nay, đến năm 2020 sẽ không thể đạt mục tiêu.

“Mặc dù vậy, nếu chúng ta có giải pháp đầy đủ hoặc có hướng phát triển tốt, động viên DN thành lập mới, khởi nghiệp thành công thì có thể đạt được”, ông Thuý trấn an. Đồng thời ông đề xuất một số giải pháp chính là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường bền vững nhất cho DN yên tâm đầu tư phát triển; cải cách mạnh mẽ cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ DN vay vốn đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo lao động…

Nhìn chung, kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng, số lượng DN tăng mỗi năm, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có xu hướng chững lại và chậm dần. Cùng với đó là những điểm hạn chế đối với khu vực DN, đó là xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/DN, sự manh mún của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tiến trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn diễn ra khá chậm.

Cùng với đó, công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương. Đây là hạn chế, bất cập lớn, cần nhìn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau khi nhận diện các hạn chế của nền kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời cần có chính sách giải pháp khuyến khích cơ sở kinh doanh cá thể thành lập DN.

Ông Lâm cũng lưu ý, trong tiến trình vận hành nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì vậy cần nghiên cứu nội hàm của cuộc cách mạng này để có chính sách phù hợp khuyến khích DN đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chuyển đổi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ nguồn, năng lực quản trị hiện đại đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, thúc đẩy liên kết với DN trong nước để chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, có giải pháp thu đúng và đủ thuế của cộng đồng DN, chống kê khai lỗ giả lãi thật, chuyển giá của DN FDI…