Doanh nghiệp và vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực tài chính vững mạnh mà còn phải quan tâm đến sự phát triển bền vững bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ đắc lực từ phía các ngân hàng thương mại thông qua chương trình hỗ trợ tín dụng xanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguồn vốn phục vụ cho các dự án xanh

Tại Việt Nam, trước đây hầu như các ngân hàng chưa có chính sách tín dụng ưu tiên cho các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thân thiện với môi trường... Một vài năm trở lại đây khi những hậu quả của quá trình phát triển gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống nhân dân, các ngân hàng đã có những quan tâm nhất định đến vấn đề môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Ngày 24/3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 03/CT – NHNN 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng cần tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng, đồng thời triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Dòng vốn tín dụng xanh chảy vào các dự án như sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, thủy điện… Theo điều tra khảo sát cho thấy, các dự án, hoạt động đầu tư xanh mà DN đang thực hiện hoặc dự định thực hiện chủ yếu là các dự án xử lý chất thải, rác thải, khí thải; dự án tiết kiệm năng lượng; dự án bảo vệ môi trường; dự án sử dụng năng lượng tái tạo... Trên thực tế, nhu cầu về vốn cho các dự án này là rất lớn.

Nguồn vốn để triển khai các dự án xanh có thể có từ các nguồn:

Thứ nhất, nguồn tài chính nhà nước được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể đó là các khoản chi cho bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Thứ hai, nguồn tài chính hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi về thuế, đất đai.

Thứ ba, nguồn vốn từ các DN phục vụ cho các dự án sản xuất kinh doanh thân thiện môi trường.

Thứ tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các khoản tín dụng quốc tế tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, hỗ trợ các dự án sản xuất thân thiện môi trường.

Thứ năm, nguồn vốn tín dụng thông qua 2 hình thức: Nhà nước cho vay các chương trình hỗ trợ, ưu đãi sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường và các khoản tín dụng của các ngân hàng.

Một số chương trình tín dụng xanh điển hình

Hiện nay, một số ngân hàng đã triển khai các gói hỗ trợ tín dụng xanh hỗ trợ DN như: Năm 2015, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hợp tác với Công ty VWS tài trợ 90 triệu USD cho dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại TP. Hồ Chí Minh, và làm đầu mối giải ngân 620 triệu USD cho 04 dự án tài chính nông thôn do World Bank (WB) tài trợ từ năm 1999 đến nay. Cùng với BIDV 03 ngân hàng là Agribank, Sacombank và Vietcombank đã tham gia cho vay thí điểm các dự án kinh doanh năng lượng tái tạo, xử lý tái chế rác thải môi trường, giảm thiểu các tác hại từ biến đổi khí hậu mang lại với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng.

Tháng 7/2016, NHNN cùng với WB đã ký kết hiệp định pháp lý cho 3 dự án chính sách phát triển về quản lý kinh tế và năng lực cạnh tranh; chính sách phát triển về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và dự án cấp nước, xử lý nước thải đô thị. Tổng giá trị của 03 dự án là 371 triệu USD. Bên cạnh đó, IFC đã phối hợp với các ngân hàng của Việt Nam như Techcombank và Vietinbank xây dựng chương trình tín dụng tiết kiệm năng lượng dành cho các DN vừa và nhỏ với tổng giá trị gần 63 triệu USD.

Một số ngân hàng lớn như Vietinbank, ACB, Sacombank... cũng đã triển khai các hoạt động cho vay có bảo lãnh cho các dự án thân thiệt môi trường do Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) của Chính phủ Thụy Sỹ thành lập tại Việt Nam tài trợ.

Nguồn tài chính nhà nước tài trợ cho các dự án thân thiện môi trường chủ yếu được thông qua các quỹ như: Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội, Quỹ giảm thiểu ô nhiễm TP. Hồ Chí Minh... Các quỹ này cho các dự án xử lý chất thải, phòng ngừa khắc phục sự cố môi trường, triển khai công nghệ thân thiện môi trường...vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Nhìn chung, phần lớn nguồn vốn tín dụng tài trợ cho các dự án xanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tài trợ của các tổ chức trên thế giới hoặc một phần từ nguồn tài chính nhà nước thông qua các quỹ của Việt Nam, sự đóng góp của các ngân hàng rất nhỏ bé. Thực tế, việc triển khai các gói tín dụng xanh gặp phải một số rào cản:

Đối với ngân hàng: (i) Nhận thức về ngân hàng xanh, tín dụng xanh của các ngân hàng còn hạn chế; (ii) Thiếu khung pháp lý hỗ trợ tín dụng xanh, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành, cơ chế động lực cho các ngân hàng cũng như DN phát triển tín dụng xanh; (iii) Thiếu các quy định về thẩm định, hệ thống tiêu chí và cơ chế đánh giá quản lý rủi ro; (iv) Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; (v) Chi phí ngân hàng đầu tư lớn, giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong dài hạn, do các dự án vay vốn tín dụng xanh có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư dài và rủi ro cao.

Đối với DN: (i) DN chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng; (ii) Thiếu các thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng, (iii) Thời gian xin cấp tín dụng xanh dài, các thủ tục vay vốn phức tạp; (iv) Thiếu tài sản đảm bảo do hầu hết các DN đều là các DN vừa và nhỏ.

Tháo gỡ “nút thắt” tín dụng xanh

Từ những bất cập trong triển khai các gói tín dụng xanh, việc các cơ quan quản lý, các ngân hàng và bản thân các DN đề ra các giải pháp tháo gỡ “nút thắt” tín dụng xanh là rất cần thiết.

- Từ phía cơ quan quản lý: NHNN cần sớm ban hành chương trình phát triển ngân hàng xanh với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể (ví dụ quy định 5% dư nợ cho vay đối với các dự án liên quan đến môi trường), từ đó tăng cường vai trò của ngân hàng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế; Cần ban hành hướng dẫn và bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường để các ngân hàng áp dụng. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế động lực thúc đẩy tài chính xanh.

- Từ phía các ngân hàng: Các ngân hàng cần xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngân hàng xanh phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; Xây dựng hệ thống, cơ chế đánh giá quản lý rủi ro môi trường xã hội trong việc cấp tín dụng. Việc rà soát, chọn lọc hồ sơ các dựa án cần hết sức thận trọng để hạn chế rủi ro môi trường xã hội khi cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần nâng cao nhận thức của cán bộ; Xây dựng văn hóa ngân hàng xanh, tích cực tuyên truyền phổ biến đến khách hàng về các sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng.

- Từ phía DN: DN cần tìm hiểu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất, thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo để tăng cường đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường; đồng thời, cần nâng cao nhận thức cũng như có sự kết nối giữa ngân hàng và DN để tìm kiếm các nhu cầu đầu tư xanh.    

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Cấn Văn Lực (2016), “Vai trò của ngân hàng xanh trong phát triển kinh tế bền vững – thực trạng và giải pháp đối với Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Vai trò ngân hàng xanh trong xanh hóa nền kinh tế, tháng 9/2016;

2. PGS., TS. Nguyễn Thị Minh Huệ (2016), “Tiếp cận tài chính xanh của các DN Việt Nam: Khó khăn và thuận lợi”, Kỷ yếu Hội thảo “Vai trò của ngân hàng xanh trong xanh hóa nền kinh tế”;

3. Chỉ thị 03/CT – NHNN 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;

4. ThS. Trần Trọng Phong, Thiều Thùy Dương (2016), Phát triển dòng tín dụng xanh trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “xanh hóa”, Tạp chí Ngân hàng số 5/2016;

5. Nguyễn Lê Hằng (2011), Giới thiệu về Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF).