Doanh nghiệp vẫn tìm thấy cơ hội phát triển

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Dưới con mắt của một số nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN), DN vẫn có cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Dẫn chứng là so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng DN thành lập mới trong quý I/2014 đã tăng khá mạnh, 16,9%.

Chương trình tái cơ cấu của Việt Nam đã tạo được đà và dự kiến sẽ có một số tiến triển trong năm nay. Nguồn:internet
Chương trình tái cơ cấu của Việt Nam đã tạo được đà và dự kiến sẽ có một số tiến triển trong năm nay. Nguồn:internet
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, "hạ lãi suất là một trong những hoạt động khích lệ DN”. Cùng với đó là các thông điệp của cơ quan quản lý quyết đưa các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững. 

Tổng hợp các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai dự kiến cho thấy vẫn thặng dư trong năm 2014. Lạm phát có thể nằm trong chi tiêu của Chính phủ là 7% vào năm 2014. Các yếu tố này là cơ sở để thiết lập niềm tin kinh doanh từ phía DN.

 Trọn quý 1 năm 2014, số lượng DN thành lập mới đã tăng trở lại, ở mức khá ấn tượng là 16,9% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 23,4% về vốn đăng ký, tương ứng 18.358 DN và gần 98.000 tỷ đồng. Lật lại hồ sơ DN năm 2013 cho thấy,  trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước có 15.707 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng.

Tương tự, số lượng DN giải thể trong quý I-2013 là 2.272 DN và các DN gặp khó khăn phải dừng hoạt động là 13.011 DN, tăng 26,1% so với cùng  kỳ năm 2012 nhưng tổng số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động mà không đăng ký trong 3 tháng đầu năm nay là 16.745 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN đăng ký mới tăng, trong khi số lượng DN giải thể hoặc tạm dừng hoạt động giảm chứng tỏ DN đã tìm thấy cơ hội kinh doanh mới. 

Việc DN mới vẫn thành lập trong khi DN cũ tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể chẳng có gì mâu thuẫn, bởi việc phát triển kinh doanh của DN là thường xuyên, liên tục. Cũng nên hiểu DN dừng hoạt động không có nghĩa là phá sản, giải thể mà họ đang tìm kiếm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác thuận lợi hơn. Họ sẽ chọn những lĩnh vực nào ít khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại. 

Theo một công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam,  WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2014 và 5,6% năm 2015. Con số trên đã được điều chỉnh tăng so với mức dự báo đưa ra trong tháng 10-2013. Đánh giá của WB cho rằng, chương trình tái cơ cấu của Việt Nam đã tạo được đà và dự kiến sẽ có một số tiến triển trong năm nay.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, DN thuộc các ngành: dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ, xây dựng… phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động nhiều hơn. DN đăng ký thành lập mới ở lĩnh vực dịch vụ tăng cao hơn, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp có xu hướng giảm. Thực tế này cho thấy Việt Nam đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp như nhiều nước trên thế giới. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ sản xuất, phục vụ trực tiếp cho người dân tốt. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, cơ cấu DN đăng ký thành lập mới nghiêng hẳn về lĩnh vực dịch vụ cũng có nhiều hạn chế. 

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, hoạt động sản xuất đang có lực cản như: vốn đầu tư, thị trường, sức cạnh tranh nên DN tập trung vào lĩnh vực dịch vụ. Trong khó khăn DN nếu biết tranh thủ cơ hội hoàn toàn tìm thấy được cơ hội kinh doanh. Các DN xuất khẩu da giày hiện nay đang đón sóng nền kinh tế gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế đã mạnh dạn thay đổi đầu tư máy móc, thiết bị. Các DN xuất khẩu trong ngành nông nghiệp vẫn dẫn đầu trong việc mang ngoại tệ về cho đất nước. Thời gian tới vẫn phải đầu tư công nghiệp như công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng… như thế mới có cơ sở hạ tầng để hút đầu tư, tăng trưởng.