Doanh nghiệp Việt: Ai tự tin, ai e ngại?

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Báo cáo nghiên cứu về niềm tin kinh doanh năm 2014 được Vietnam Report công bố vào tuần cuối tháng 2/2014 nhận định, thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi đã đến.

Doanh nghiệp Việt: Ai tự tin, ai e ngại?
Thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi đã đến. Nguồn: internet

Sự vươn lên của khối doanh nghiệp tư nhân trong kết quả khảo sát mới nhất nói trên cho thấy, tín hiệu khởi sắc trong kinh doanh đã ngày một rõ rệt. Trải qua một giai đoạn vật lộn trong khủng hoảng, các doanh nghiệp Việt đã tự tin hơn và sẵn sàng đối mặt với thử thách đang chờ đón trong năm 2014.

Những "ngôi sao" đang lên

Theo báo cáo nói trên, các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 65% trong danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500) năm 2013. Không chỉ vậy, đây còn là nhóm đứng đầu về chỉ số CAGR trung bình (50,3%), cao hơn hẳn khu vực doanh nghiệp nhà nước (43,8%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (38,9%) cùng có mặt trong bảng xếp hạng FAST 500 năm 2013.

Chưa hết, trong danh sách 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, hơn 70%. Nhìn vào những con số này, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietnam Report coi đây như minh chứng rõ ràng nhất về mức độ năng động đi đầu của khối tư nhân. “Sự đột phá của các doanh nghiệp tư nhân trẻ trong một năm kinh doanh không hề dễ dàng đang báo trước sự phục hồi, ổn định trở lại của nền kinh tế trong năm 2014”, ông Cơ phân tích. Cũng phải nói thêm, số doanh nghiệp FAST 500 cho dù vẫn khá đông đảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với tỷ lệ tương ứng là 21% và 31%, song cũng đã có mặt tại khắp các địa phương. Điều ấy cũng là tín hiệu đáng mừng để nói về thời điểm phục hồi.

Đo chỉ số niềm tin của mỗi ngành

Có thể thấy, kết quả kinh doanh tốt năm 2013 đã tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp trong năm 2014. Cuộc điều tra doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã cho ra một kết quả rất khả quan với gần 86% số doanh nghiệp được hỏi đã tin vào khả năng tăng trưởng doanh thu trong năm 2014. E ngại về sự giảm sút chỉ còn có ở chưa đến 5%. Đây là điểm rất khác biệt so với một năm trước. Khi đó, số doanh nghiệp lạc quan về mức tăng trưởng doanh thu so với năm trước chỉ khoảng 65%. Số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hơn là gần 13%.

Ông Cơ cho biết, nếu xét về ngành nghề có tốc độ tăng trưởng nhanh, ngành thực phẩm, đồ uống soán ngôi với số lượng đông doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (18%). Tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%).

Xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành thì thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong FAST 500 năm ngoái. Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%). Tình hình còn có vẻ khả quan hơn khi chính các doanh nghiệp ngành khoáng sản, xăng dầu, ngành kim loại và ngành sắt thép – vật liệu xây dựng cũng thực sự lạc quan về triển vọng của ngành trong năm 2014. Tỷ trọng doanh nghiệp đại diện thuộc 3 ngành này nhận định kinh doanh của họ trong năm nay sẽ tốt hơn năm 2013 cao hơn so với các ngành còn lại.

Dường như sự lạc quan của các doanh nghiệp ngành xăng dầu – khoáng sản bắt nguồn từ kết quả doanh thu ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Với các doanh nghiệp ngành kim loại và ngành sắt thép – vật liệu xây dựng, cơ sở của niềm tin hồi phục là sự ảnh hưởng tích cực của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến có thể kết thúc đàm phán và ký kết trong năm nay. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng lại không mấy lạc quan như các ngành khác về triển vọng trong năm 2014. Cũng phải nói thêm, trong kết quả điều tra về triển vọng năm 2013, các doanh nghiệp tài chính ngân hàng tỏ ra lạc quan nhất về triển vọng của ngành.

E ngại bất ổn vẫn còn

Theo kết quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đều e ngại đối với những thay đổi trong chính sách vĩ mô của Chính phủ, lạm phát, sự tăng giá chi phí nguyên nhiên vật liệu. Tuy là những yếu tố chính có khả năng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chúng lại có tính chất ảnh hưởng dây chuyền và không dễ dự báo.

Chính vì vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô chiếm tới 65,52%. Kế đó là đề nghị đơn giản hóa và giảm gánh nặng của các thủ tục hành chính (64,94%), tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế (63,22%). Sự ổn định này có ý nghĩa vô cùng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là với 70% doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng thị trường trong nước trong năm 2014. Đây cũng là khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp trong năm 2014 của khoảng 60% doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng. Cùng với đó, 63,79% số doanh nghiệp cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và phát triển nguồn nhân lực (51,17%). Chỉ có 9,7% doanh nghiệp cho rằng, tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ là phương cách giúp tăng trưởng doanh thu của họ trong năm 2013.

Có thể thấy, trải qua một giai đoạn vật lộn trong khủng hoảng, các doanh nghiệp Việt đã học được những bài học lớn để có thể nắm bắt cơ hội quý báu khi nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục. Các doanh nghiệp đã tự tin hơn và sẵn sàng đối mặt với thử thách đang chờ đón trong năm 2014.