Doanh nghiệp Việt bao giờ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

Theo Thông tin Tài chính

Các doanh nghiệp FDI đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước, tạo việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của dòng vốn FDI đối với doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, nhất là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chưa đáp ứng nhu cầu

Những năm qua, các doanh nghiệp FDI liên tiếp mở rộng vốn đầu tư lên đến hơn 11 tỷ USD tại Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn, song đến nay, những gì mà Samsung làm được tại nước ta chủ yếu là nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất khi thu hút các nhà đầu tư lớn như Samsung vào Việt Nam là tạo sức lan tỏa, kết nối doanh nghiệp nội, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lại vẫn đang “dậm chân” tại chỗ. Sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đạt 36%, tuy nhiên không chỉ đơn thuần là của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn bao gồm tất cả những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Tương tự, với hàng loạt các doanh nghiệp FDI khác như Canon, Intel hay LG… hiện cũng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì với hàm lượng công nghệ thấp.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều khép kín chuỗi sản xuất với hàng loạt các doanh nghiệp vệ tinh từ nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội địa khó tham gia chuỗi cung ứng chính là do năng lực cung ứng của doanh nghiệp Việt còn hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và chế tạo khuôn mẫu TDBH cho biết, hình ảnh của Samsung đòi hỏi chất lượng cao, những khuôn dập lên các linh kiện điện thoại phải có độ chính xác lên đến 5 phần nghìn, do đó, với công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay sẽ rất khó đáp ứng độ chính xác như vậy.

Để khắc phục vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nâng cao vai trò cầu nối của Nhà nước trong việc xây dựng những mô hình liên kết phù hợp, thúc đẩy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong việc hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có những đột phá về công nghệ cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đủ lực liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường liên kết, hợp tác

Thực tế hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp thông thường mà cả doanh nghiệp điện tử đã có 40 - 50 năm kinh nghiệm cũng chưa thể làm được những linh kiện rất đơn giản như sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe…

Việt Nam chỉ thực sự bị khai thác một phần nhỏ nhân lực lao động phổ thông giá rẻ, nhưng đổi lại phải chịu rất nhiều thiệt thòi từ các chính sách bất công bằng. Các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn “bất lực” đứng nhìn các doanh nghiệp FDI sản xuất, thu lợi.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đổi mới, nếu từng doanh nghiệp có thể yếu, chưa thực hiện được một dây chuyền sản xuất, thì phải có sự liên kết doanh nghiệp với nhau; hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, tìm đúng các đối tác nước ngoài có khả năng và thiện chí để hỗ trợ hai bên cùng phát triển.

Còn theo PGS.TS. Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế lâu nay cũng có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư để tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng họ không có đủ điều kiện. Ngược lại, với các doanh nghiệp lớn có điều kiện thì lại thuộc diện doanh nghiệp nhà nước nên họ có những nhiệm vụ lớn hơn đó là phát triển cả một ngành lớn như điện hay đóng tàu… do đó, khâu hỗ trợ, trung gian đang bỏ ngỏ.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Đài Loan đầu tư, liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, góp phần tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm hàng hóa.

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát mới nhất của Jetro, tỷ lệ cung ứng linh kiện nội địa ở Việt Nam đã được cải thiện, tăng từ 22% của 4 năm trước lên 32% trong năm 2014.Tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, hai ngành bán dẫn và cơ khí (tự động hóa), trong thời gian qua đã xuất khẩu những sản phẩm chính gồm wafer, cảm biến, mạch in, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị thu tín hiệu, động cơ rung cho điện thoại di động, máy ảnh, y tế…

Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Mới đây, tỉnh đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào cụm công nghiệp Hưng Lộc có diện tích gần 42 héc-ta.

Theo dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, cụm công nghiệp Hưng Lộc sẽ thu hút các nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, nhằm đón đầu cơ hội khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành do Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 282 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 400 ha, được cấp phép đầu tư gần đây sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Trong 8 tháng đầu năm 2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút được hơn 1,25 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước. Đặc biệt, Bình Dương đã thu hút được các dự án lớn phù hợp định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Với sự đầu tư mạnh từ các doanh nghiệp FDI vào công nghiệp hỗ trợ, nhìn chung các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đều có chuyển biến tích cực như: Dệt may, điện tử, linh kiện và phụ tùng ôtô…, nâng cao giá trị hàng hóa và cải thiện tỷ trọng xuất khẩu.

Năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành đàm phán và ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, trong đó có các FTA “thế hệ mới” và chất lượng cao. Đây cũng được cho là giai đoạn bước ngoặt trong thu hút FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp Việt tự khẳng định vai trò của mình, đồng thời tận dụng lợi thế mà FDI mang lại cho nền kinh tế.