Doanh nghiệp Việt bước vào giai đoạn mới

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Sau Tết Giáp Ngọ, doanh nghiệp (DN) Việt sẽ bước vào một giai đoạn mới. Không phải mới bởi vì là năm mới, mà vì thời cơ của ngưỡng cửa TPP và sân chơi chung ở nhiều khu vực đang rộng mở.

Doanh nghiệp Việt bước vào giai đoạn mới
Các doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh trong năm 2013. Nguồn: internet

Thế nhưng, xét trong nền kinh tế quốc gia, vai trò và tầm ảnh hưởng của doanh nhân Việt vẫn còn chưa đủ rộng…

2014 sẽ là năm thứ 11 kể từ Ngày doanh nhân Việt Nam chính thức được Chính phủ quyết định chọn làm ngày vinh danh. Đi qua hơn một thập kỉ, với các doanh nhân, vẫn không có sự vinh danh nào quí bằng việc được tạo điều kiện cho phép họ kinh doanh tốt nhất, với môi trường pháp lí và những chính sách vĩ mô quan tâm đến yếu tố “đường dài”.

Vui nhiều nhớ lâu...

Chuyện xưa năm cũ, Quý Tị là một năm tuy khó khăn nhưng vẫn có nhiều DN, doanh nhân hào hứng với các chuyện… vui. Không hẳn vì họ ham vui mà họ biết gắn bó hoạch định chiến lược kinh doanh của DN trong cái vui chung của cả cộng đồng.

Một số doanh nhân đã làm được điều này, có thể kể ra là 2 ông Vũ năm Quý Tị. Thứ nhất là ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen Group. “Vụ” vui của ông là đã mời được Nick Vujicic về Việt Nam, chia sẻ và khơi dậy ý chí, tinh thần của những người không may mắn. Qua đó cũng là làm thương hiệu cho Tôn Hoa Sen. Thứ hai là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, CEO của Trung Nguyên. “Vụ” hay nhất của ông có lẽ chương trình in và giới thiệu sách “Quốc gia Khởi nghiệp”.

Cái quốc gia mà ông giới thiệu xa tít tắp Việt Nam, ở tận Trung Đông, với một nền nông nghiệp xanh từ sa mạc hóa nhưng từ tinh thần Quốc gia Khởi nghiệp của Israel, nhìn lại Việt Nam và khơi lên tinh thần khởi nghiệp của các thế hệ người Việt Nam, hiệu triệu, kêu gọi tinh thần đó, là chuyện vui rất đáng nói. Ở một góc nhìn, 2 ông Vũ là những doanh nhân biết khơi lên khát vọng dân tộc, từ khát vọng lập thân.

Dù vậy, cũng phải nói rằng sự nỗ lực của một vài doanh nhân, DN, tuy đã là những ngôi sao sáng trên bầu trời nhưng nếu mãi chỉ mình họ cũng sẽ rất khó lòng thắp sáng cả bầu trời. Sự nỗ lực khơi dậy khát vọng dân tộc, có thể bắt đầu từ những chuyện vui nhỏ, lẻ sống để bền lâu và có hiệu ứng cao, cần sự liên kết, đoàn kết của cả cộng đồng dân tộc, mà trước hết là sự đoàn kết của cộng đồng doanh nhân. Vai trò của các Hiệp hội, vai trò của truyền thông, vai trò của những chương trình kết nối, tôn vinh DN, doanh nhân… cần thực sự tỏa sáng.

Và chút bùi ngùi

2013 khép lại, cũng có không ít chuyện buồn với giới doanh nhân. Hơn 60.000 DN phải phá sản, đình trệ. Một cách đau đớn, đó cũng là kết quả có nguyên do xuất phát từ hai phía: Tác động của môi trường kinh doanh và nội tại của DN. Trong đó, ở phía nội tại DN, nó cho thấy năng lực, kĩ năng, tư duy quản trị của nhiều DN, doanh nhân vẫn đang có vấn đề.

Với các doanh nhân, vẫn không có sự vinh danh nào quí bằng việc được tạo điều kiện cho phép họ kinh doanh tốt nhất.

Trước nay, nhiều DN có xu hướng chọn cho mình tư duy quản trị dựa trên nội lực. Xuất phát từ nội lực, DN cứ thế chầm chậm tiến. Đây là lối tư duy quản trị cho phép DN phát triển ổn định nhưng khó có đột phá. Vì vậy, nhiều DN Việt thua công ty nước ngoài ngay trên sân nhà. Còn một số DN dựa trên quan hệ để khai thác cơ hội thì có thể phát triển rất nhanh nhưng không bền vững. Khi có băng ngầm, đột biến, DN dễ gặp thất bại.

Bên cạnh đó, lại cũng đã có những DN chọn cho mình lối tư duy đột phá. Nhìn rộng ra trên thế giới, không có tư duy đột phá, có lẽ đã không có một nền kinh tế Nhật tăng trưởng mạnh mẽ sau thế chiến thứ II. Các DN Việt hẳn đã nhận ra điều đó. Chọn đột phá, dựa trên nội lực và mục tiêu đã định, cũng là cách để nhiều DN ứng phó tốt nhất với mọi kịch bản đa chiều của các biến động kinh tế, không bất ngờ và không bị “đánh úp”.

Nhưng cho dù DN có ứng phó linh động tốt đến đâu, mọi kịch bản hoạt động DN vẫn phải đặt trong môi trường pháp lí kinh doanh chung. Năm Quý Tị còn có chuyện đáng buồn, đó là trường hợp ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cựu Chủ tịch Hội đổng quản trị Ngân hàng ACB bị khởi tố vì kinh doanh trái quy định pháp luật. Công – tội của ông thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xét xử. Nhưng cơ quan lương tâm của một người làm kinh doanh thì vẫn đau đáu điều ông nói: “Tôi nắm chắc Luật DN và tôi chỉ làm những gì pháp luật không cấm”. Ông Giá hẳn đã thốt ra câu đó bằng tất cả tấm lòng và kinh nghiệm của một thuở làm quan, làm doanh nhân.

Thực tế, nhiều doanh nhân vẫn đã và đang quan tâm trong môi trường kinh doanh và khung khổ quy định của pháp lí Việt Nam, liệu họ được phép làm những gì pháp luật không cấm? Luật hóa những gì không được phép và những gì được phép, thiết nghĩ là điều các cơ quan hành pháp, lập pháp nên làm. 

Vui, buồn, khát vọng, mong ước của giới doanh nhân trong 1 năm qua, trong hành trình 10 năm qua và trong một lịch sử dài kể từ thuở Việt Nam có Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi… chung quy đều tụ lại ba chữ “Đạo kinh doanh”. Khuyến khích tối đa giới công thương vì mục tiêu “xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” như lời dạy của Bác Hồ - đó mới chính đòn bẩy để giới doanh nhân thực sự phát huy tầm ảnh hưởng tới cộng đồng.