Doanh nghiệp Việt cần tăng khả năng thích ứng trước bối cảnh mới

N. Ánh

Để năm bắt được các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng năng lực cạnh tranh của mình để có thể đứng vững trên thị trường trong nước cũng như có chiến lược kinh doanh nhạy bén để xâm nhập và khai thác tốt các thị trường nước ngoài và tận dụng các ưu đãi mà các hiệp định tự do mang lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đặc biệt, việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, liên minh lớn vừa qua đang mở ra một cơ hội lớn mà nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần nắm bắt và tận dụng cơ hội. Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết đã và đang tạo ra một sân chơi bình đẳng không chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp nước ngoài. Cơ hội cho Việt Nam là tăng khả năng đầu tư thương mại, đẩy mạnh tham gia các giá trị toàn cầu, đột phá về mọi mặt như quy mô, chất lượng, cạnh tranh... Bên cạnh đó, đặc thù của doanh nghiệp Việt sẽ mang tính thị trường hơn, vận hành tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến các vấn đề về hội nhập còn quá ít so với các nước trong khu vực. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào tháng 12/2015 cho thấy, chỉ có 9% doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu tương đối kỹ về TPP, 91% còn lại biết quá ít hoặc không biết. Do vậy, doanh nghiệp Việt chưa có hiểu biết đầy đủ về các điều kiện của từng hiệp định dẫn đến việc không tận dụng được cơ hội từ các FTA đem lại. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hiện mới có 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng được các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước, bản thân doanh nghiệp Việt phải vượt qua những thách thức này để ngày càng trưởng thành trên thương trường. Hội nhập chính được xem như làn gió mới đối với doanh nghiệp có điều kiện thích nghi tốt, ngược lại đối với doanh nghiệp ngại thay đổi thì đây chính là những trận cuồng phong, bão tố và sẽ gặp phải nguy cơ bị thôn tính. Do vậy, doanh nghiệp không có sự lựa chọn khác là nâng cao tầm nhìn, năng lực kinh doanh, cạnh tranh để thích ứng tốt với những khó khăn, biến động trong quá trình hội nhập.

Trong hội nhập, nhận thức và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả kinh doanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi tiến hành xâm nhập thị trường, doanh nghiệp cần nhìn nhận thị trường từ phía “cầu” hay nhu cầu của thị trường xuất khẩu về sức mua, thị hiếu, tính đa dạng; các phân khúc thị trường, dân số để có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Theo đó, cần có sự thay đổi về nhận thức, bỏ qua hình thức buôn bán manh mún, nhỏ lẻ, thay vào đó là đáp ứng theo những tiêu chuẩn thị trường và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tích cực tiếp cận thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đối tác, qua đó tổ chức lại sản xuất, nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Không những thế, doanh nghiệp cần phải chấp nhận và tăng khả năng thích ứng với các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật khác của thị trường quốc tế. Thay vì bị động như trước đây, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó ngay từ đầu để có thể kiểm soát tốt hoạt động sản xuất sản phẩm. Từ đó góp phần tạo ra quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng của doanh nghiệp.

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, việc thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Theo đó, cần thiết phải hình thành liên minh các nhà sản xuất công nghiệp, từ đó tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước như làm thị trường cho nhau, tập trung nguồn vốn, nguồn lực nâng cao khả năng nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới... Đặc biệt, việc liên minh sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, từ đó mới giữ được thế tự chủ, tránh bị phụ thuộc bởi các nhà đầu tư nước ngoài...

Hội nhập kinh tế quốc tế đưa đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu đầu tư và phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt trước hết cần giữ được thị trường nội địa sau đó mới đến thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường trong nước đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân, từ đó đề ra những chiến lược kinh doanh về chất lượng, con người, quản lý… để có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước một cách tốt nhất.