Doanh nghiệp Việt đang đứng trước "ngã ba" của chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Kim Hiền/kinhtevadubao.vn

“Việt Nam đang đứng trước ngã ba của chuỗi giá trị toàn cầu, chưa biết đi đâu về đâu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số”.

Hiện nay chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn: internet
Hiện nay chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn: internet

Đây là nhận định của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do VCCI phối hợp với Facebook tổ chức ngày 19/10.

Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Phát biểu tại diễn đàn, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cho biết, hiện nay chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà Tâm cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thường sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, trong khi muốn có các sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu, thì phải sử dụng các khoa học, công nghệ tiên tiến.

Không những vậy, bà Tâm còn cho biết có rất nhiều khó khăn khác đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, như: tiếp cận khách hàng, nguồn vốn, nhân sự và thủ tục hàng chính…

“Thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, mà chỉ hợp tác kinh doanh chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khó tham gia vào chuỗi giá trị”, bà Tâm nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khác được ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đó là, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự hiểu về giá trị, cấu thành, thậm chí “hình hài” và cách thức để tham gia vào chuỗi, nên khó khăn khi tham gia chuỗi là điều tất yếu.

Ngoài ra, ông Khương còn cho biết, doanh nghiệp đã kém, nhưng hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia chuỗi cũng chưa đạt hiệu quả cao, do công tác hỗ trợ vẫn còn gặp những hạn chế. Cụ thể: (1) doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu đãi; (2) nhiều chính sách hỗ trợ chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Cần phải nhanh “chân”!

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, rõ ràng câu chuyện về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của nước ta đang rất là “nóng”. Việt Nam đúng trước ngã tư của chuỗi giá trị toàn cầu mà chưa biết đi đâu, nhất là trong bối cảnh công nghệ số. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh “chân” hơn nữa, tư duy hơn nữa, xem thế giới xung quanh chúng ta đã thay đổi như thế nào để thay đổi.  

“Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, người mua người bán và tìm cách đi riêng của mình để vươn lên trong chuỗi giá trị”, bà Hằng cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Khương cũng cho biết, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đang phát triển nhanh, có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng của người mua và bán trong giao dịch. Dẫn đến yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi phương thức từ quản lý sang phục vụ để khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, ông Khương cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các thông tin, thị trường và xây dựng các kế hoạch phát triển doanh nghiệp dài hạn, đáp ứng được yêu cầu và tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đem lại.

“Doanh nghiệp cũng cần có sự liên kết với nhau, giữa doanh nghiệp cùng ngành nghề, vận dụng công nghệ thông tin, tham gia giao dịch qua mạng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư vào khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Khương nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Hà, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, đó là để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thì thương mại điện tử là hình thức kinh doanh không thể thiếu. Do đó, Bộ Công Thương đã có chính sách cụ thể phát triển thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

“Đổi lại, về phía doanh nghiệp hay cá nhân cũng cần có những kiến thức nói chung về mạng xã hội, công nghệ số...”, bà Hà cho biết.