Doanh nghiệp Việt không ngại khó

Theo Thời báo Ngân hàng

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, để trở thành DN mạnh, phải có tính sáng tạo, không theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, ngay cả khi phải đi ngược lại xu thế nếu mình cảm thấy tin tưởng là có hiệu quả. Và trong xu thế hiện nay, DN nào có tính sáng tạo càng nhiều thì thành công càng lớn.

Doanh nghiệp Việt không ngại khó
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Công ty Dun & Bradtreet – D & B (Hoa Kỳ), công ty chuyên cung cấp thông tin hỗ trợ DN toàn cầu, sau 4 năm triển khai dịch vụ hỗ trợ thông tin xuất nhập khẩu đến DN Việt Nam, D & B nhận thấy, đa phần DN Việt Nam trẻ, quy mô không lớn. Xét toàn cảnh DN kinh doanh trên thế giới mà D & B đang có dữ liệu (140 triệu DN của 214 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới) thì DN Việt Nam còn yếu ở rất nhiều mặt, từ tài chính, nhân sự, quá trình hoạt động kinh doanh trong nước và đặc biệt là kinh doanh trong môi trường quốc tế.

Có thể nói trong số DN Việt Nam mà D & B tiếp xúc có trên 70% là DN non trẻ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với bản lĩnh kinh doanh của họ. Thông qua gần 200 DN Việt Nam tham gia vào cơ sở dữ liệu DN toàn cầu của D & B trong năm 2012, DN Việt Nam đã thể hiện sự bứt phá trong tiếp cận thông tin về kinh doanh khắp thế giới, ngay cả với các DN không xuất khẩu. Điều này thể hiện khát vọng vươn xa, không ngại thách thức, không ngại thay đổi để thích ứng với môi trường kinh doanh lớn và khắc nghiệt.

Phải nhìn nhận rằng, năm 2012 khép lại với khó khăn nhiều mặt (như tổng cầu sụt giảm, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước chậm trong khi giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng, nguồn cung trồi sụt không ổn định...) vẫn còn treo lơ lửng trên đầu DN sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn cảnh thị trường trong nước, DN Việt Nam có thể tự tin về khả năng thích ứng và vượt khó của mình.

Cụ thể, tại thị trường bán lẻ trong nước, các thương hiệu Vissan, Trung Nguyên, Co.op Mart, Satra, Cầu Tre… gần như có mặt tại hầu hết các chợ, siêu thị, thị trường nông thôn. Điều này trái với dự đoán trước đây là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), DN sản xuất trong nước sẽ bị nhấn chìm bởi các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Bởi đến nay, thị trường Việt Nam mới chỉ có vài nhà bán lẻ nước ngoài như Lotte, Metro…

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, để trở thành DN mạnh, trước tiên mỗi người phải làm việc hết sức mình, với cường độ và ý chí làm việc rất cao. Đồng thời phải có tính sáng tạo, không theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, ngay cả khi phải đi ngược lại xu thế nếu mình cảm thấy tin tưởng là có hiệu quả. Và trong xu thế hiện nay, DN nào có tính sáng tạo càng nhiều thì thành công càng lớn.

Vinamilk đã làm được điều thuận lợi nhất, đó là thương hiệu Vinamilk đã được thế giới quan tâm, đặc biệt là giới doanh nhân. Nhưng Vinamilk vẫn còn tiếp tục vươn tới để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 25% - 30% trong những năm tới, Vinamilk tiếp tục chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư chiều sâu để trở thành 1 trong 50 DN sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017, với doanh số 3 tỷ USD/năm. Hiện nay, Vinamilk đã đầu tư vào nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand, vì đây là mặt hàng tiêu thụ lớn nhất.

Theo ông Nguyễn Thế Hưng – Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đến nay tuy chưa có số liệu cụ thể nào để so sánh hay đặt một vị thế cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, qua công tác xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều diễn đàn kinh tế, gặp gỡ thương mại giữa DN Việt Nam với DN các nước thời gian qua cho thấy, rất nhiều DN Việt Nam tự chủ trong kinh doanh, nắm bắt thông tin thị trường nhanh nhạy, chủ động. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, nhiều DN Việt Nam đã chủ động hợp tác với các hãng luật, các nhà tư vấn quốc tế để chủ động pháp lý khi kinh doanh ở môi trường toàn cầu. Điều này cho thấy, DN Việt Nam đã chuẩn bị được tiềm lực để sánh vai với DN toàn cầu trong thời gian tới.