Doanh nghiệp Việt lãng phí cơ hội do chưa nắm bắt ưu đãi từ các FTA

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Tính đến nay tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng được ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dừng ở con số rất khiêm tốn. Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, doanh nghiệp Việt đã và đang để lãng phí rất nhiều cơ hội, ưu đãi mà Chính phủ nỗ lực đem về.

Nhiều doanh nghiệp dệt may bỏ lỡ cơ hội giảm thuế do rào cản quy tắc xuất xứ.
Nhiều doanh nghiệp dệt may bỏ lỡ cơ hội giảm thuế do rào cản quy tắc xuất xứ.

Doanh nghiệp nắm bắt những ưu đãi, cơ hội còn hời hợt

Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến nay tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng được ưu đãi từ các Hiệp định thương mại chỉ đạt 38% và số hàng hóa còn lại phải chịu thuế cao hơn so với mức thuế ưu đãi từ các FTA là 0 - 5%. “Con số này cho thấy, sự nắm bắt những ưu đãi, cơ hội của doanh nghiệp còn lỏng lẻo, hời hợt và chưa có hiệu quả, chưa được như kỳ vọng khi nước ta gia nhập các FTA”, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Lý giải về nguyên nhân của vấn đề này, ông Kiêm cho rằng, lý do chính là doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về các Hiệp định thương mại mà nước ta ký kết. Trong đó, đặc biệt, doanh nghiệp chưa hiểu biết cặn kẽ về quy tắc xuất xứ (C/O), cho rằng quy tắc này khó khăn, rắc rối nên còn tâm lý né tránh, e ngại. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp ý thức được cơ hội nhưng lại không xin được C/O vì nhiều lý do. Do đó, trên thực tế, doanh nghiệp chưa biết cách, chưa đủ khả năng để tận dụng được ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp, nhất là DNNVV vẫn chưa thực sự hiểu biết về các ưu đãi được hưởng từ các Hiệp định thương mại. Hoặc có một số doanh nghiệp biết đến nhưng chưa mặn mà áp dụng. Một số doanh nghiệp lại cho biết, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan thường thì do các đối tác nhập khẩu yêu cầu nhưng đối tác của họ không cần nên DN không làm C/O để hưởng ưu đãi thuế”, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho biết thêm.

Cũng theo ông Nam đánh giá, việc tuyên truyền phổ biến của cơ quan nhà nước, hiệp hội chưa cụ thể và chưa đi sâu vào cộng đồng doanh nghiệp nên việc nhận thức và tận dụng còn rất hạn chế.

“Trên thực tế, có rất nhiều nhóm hàng của Việt Nam không đáp ứng được bộ quy tắc xuất xứ nên không được hưởng thuế quan ưu đãi. Chẳng hạn như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Asean – Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, sản phẩm dệt may bắt buộc nguyên liệu vải phải có xuất xứ trong khối, tức là không thể nhập “đầu vào” từ Trung Quốc, Hàn Quốc sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản”, ông Nam nhấn mạnh.

Đừng lãng phí những cơ hội

Bàn về giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể nắm bắt tốt hơn những ưu đãi cũng như cơ hội từ các FTA, ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thuế quan luôn đi song hành với quy tắc xuất xứ, nếu doanh nghiệp nhận thức được điều đó nhưng hàng xuất khẩu lại không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không nhận được ưu đãi về thuế.

“Do đó, trước mắt doanh nghiệp Việt cần tăng cường tìm kiếm đối tác phù hợp với từng FTA mà mình hướng đến và tính toán để chuyển đổi dần dần về nguồn nhập nguyên liệu “đầu vào” cho phù hợp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới không để lãng phí các điều kiện thuận tiện để mở rộng xuất khẩu, hưởng lợi về giá trị xuất khẩu cũng như thuế quan mà Chính phủ đã nỗ lực đem lại”, ông Hữu Nam phân tích.

Về vấn đề này, bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho biết, quy tắc về xuất xứ là trở ngại lớn nhất trong quá trình nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng. Vì vậy, để “gỡ” tận gốc cho doanh nghiệp về vấn đề này, Việt Nam cần nhanh chóng quy hoạch cụ thể để hình thành chuỗi sản xuất từ nguyên liệu tới thành phẩm nhằm giải quyết phần nào “đầu vào” cho một số ngành sản xuất.

Cũng theo ông Tô Hoài Nam, trong tương lai, các bộ quy tắc sẽ ngày càng thực hiện chặt chẽ hơn vì vậy doanh nghiệp phải chủ động hơn trong tìm hiểu về vận dụng các quy tắc xuất xứ thì các hiệp định thương mại mới thực sự dành cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến và giải đáp cho doanh nghiệp những thông tin về các FTA, hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp vềưuđãi cũng nhưthực hiệncác thủ tục cấp C/O...