Doanh nghiệp Việt Nam cần có hành động cụ thể khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Khi hoạt động đàm phán hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN hoàn thành, doanh nghiệp của các nước trong khối sẽ gia nhập một thị trường chung, lớn hơn, với thuế quan gần 0%. Theo Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh , nếu không có lộ trình cụ thể và hành động ngay, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ để mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường khu vực, mà ngay thị trường nội địa cũng khó giữ vững.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có hành động cụ thể khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN - Ảnh 1
Bà Vũ Kim Hạnh
Phóng viên: Thưa Bà, thị trường các nước ASEAN có những điểm tương đồng cũng như khác biệt gì để hàng hóa của chúng ta có thể tiếp cận?

Bà Vũ Kim Hạnh: Sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay là chuỗi giá trị của toàn cầu. Ví dụ, 13/15 sản phẩm của Việt Nam tương đồng với Indonesia nên cơ hội thị trường của chúng ta không nhiều. Nhưng Việt Nam là một nước mà 70% dân số làm nông nghiệp thì chắc chắn là có những thế mạnh riêng so với những nước ASEAN khác phát triển công nghiệp hoặc phát triển dịch vụ. Họ vẫn cần tới sản phẩm của chúng ta và ngược lại nông sản của chúng ta cũng cần công nghệ mới, những dịch vụ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm. Do đó tôi nghĩ, tính theo một giá trị chung thì nước nào cũng có cơ hội, miễn là phải thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình và thâm nhập được vào chuỗi giá trị đó.

Theo Bà những mặt hàng nào của Việt Nam có thể cạnh tranh được ở thị trường các nước ASEAN?

Tất nhiên là từ lâu nay chúng ta vẫn xuất khẩu “mồ hôi” là chính, tức là chúng ta vẫn gia công các loại mặt hàng như là dệt may, da giày là những mặt hàng chiếm ưu thế nhất. Tôi nghĩ, nếu nói tới việc kết nối trong một chuỗi giá trị thì mặt hàng mà chúng ta sẽ có ưu thế nhất là thực phẩm chế biến, nông sản chế biến, kế đó là các loại mặt hàng gia dụng như văn phòng phẩm, nhựa, thậm chí là cơ khí nông nghiệp, thì các doanh nghiệp sản xuất máy về nông nghiệp cũng có thể tìm được chỗ đứng tốt trên thị trường các nước có nền nông nghiệp hiện nay như Indonesia. Thế nên tôi nghĩ sản phẩm nào mà chúng ta có ưu thế về nguyên liệu và cải tiến đi một chút, cộng với công nghệ tiên tiến của các nước và khu vực thì đó thực sự là các ngành mà chúng ta có ưu thế hơn.

Theo Bà, đâu là rào cản mà doanh nghiệp nước ta phải vượt qua nếu muốn tiến sâu vào thị trường các nước ASEAN?

Tôi cho rằng, rào cản lớn nhất là chúng ta chưa có sự thống nhất và quyết tâm nghiên cứu chặt chẽ hơn và có hành động, lộ trình tiếp cận với từng nước khác nhau trong khối ASEAN. Ví dụ như với thị trường Myanmar thì có nhiều vấn đề cần lưu ý và mỗi địa phương có vấn đề khác nhau. Indonesia là đất nước vạn đảo thì còn khó hơn. Thái Lan thì người ta quá biết mình, hàng năm tổ chức nhiều hội chợ hàng Thái Lan tại Việt Nam. Cho nên chúng ta phải thống nhất về ý chí. Mà ý chí không thôi chưa đủ, phải có giải pháp cụ thể, đồng bộ, một mình Bộ Công thương không làm được. Vì thế quan trọng là phải có chủ trương, lộ trình cụ thể và phải bắt tay ngay vào hành động để theo đúng lộ trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo Bà, hàng hóa của chúng ta có thể cạnh tranh được về chất lượng và giá cả so với khu vực không?

Hàng giá thấp thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đều chịu thua hàng cấp thấp của Trung Quốc. Họ có quá trình thâm nhập thị trường rất sâu, giá hàng hóa rẻ, nên chúng ta khó có thể cạnh tranh về giá. Mà mức giá cao như hàng hiệu thì chúng ta chưa thể đạt tới. Tôi nghĩ là hàng cận trung bình, trung bình và cao hơn hàng trung bình một chút là những phân khúc mà Việt Nam cũng có thể tiếp cận được. Tất nhiên, chúng ta phải luôn tôn trọng nguyên tắc đáng tiền, tức là chất lượng phải tùy theo yêu cầu của người dùng. Như ở Indonesia, những người có thu nhập thấp, hay người lớn tuổi không đòi hỏi nhiều lắm về mẫu mã thì có phân khúc mà hàng Việt Nam tiếp cận được. Tôi nghĩ, vấn đề là phải tìm được những phân khúc trên thị trường các nước khác để tiếp cận. Cuộc cạnh tranh về giá, điều đó có nghĩa là quản trị phải tốt hơn, chất lượng sản phẩm phải tốt hơn để có thể có giá đáng tiền và hợp lý hơn.

Vậy ở thị trường trong nước, với lợi thế sân nhà và hiệu ứng từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Bà có cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đứng vững khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn vào với mức giá rẻ do được giảm thuế?

Tôi thấy lo nhiều hơn là lạc quan vì hiện nay ngay trong nước, hàng Việt Nam cũng gặp khá nhiều khó khăn trên thị trường. Khi hàng hóa của các doanh nghiệp không tiêu thụ được tại các siêu thị thì họ phải chuyển qua các cửa hàng của khu dân cư, chuyển dần về vùng nông thôn. Chúng tôi thường hay nói thị trường nông thôn là căn cứ địa của hàng Việt Nam. Đó là nơi mà hàng hóa sẽ gắn bó với người dân. Tuy nhiên, tôi nghĩ là đến khi hàng của các nước ASEAN tràn vào với giá rẻ thì căn cứ địa này cũng rung rinh. Hiện nay chúng ta đã bắt đầu thấy hàng của Thái Lan, Indonesia, Malaysia trong một số lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh như bánh kẹo, sữa... Mặc dù vậy, nếu chúng ta ngồi đây tiên đoán hàng của các nước ASEAN vào thị trường trong nước ra sao thì tốt nhất chúng ta bung hàng ra và thâm nhập vào thị trường các nước để cạnh tranh thay vì co cụm lại trong nước.

Vậy theo bà, trong thời gian còn lại, doanh nghiệp cần tập trung vào những khâu nào nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, giữ vững sân nhà khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành?

Đối với tất cả các doanh nghiệp, họ có hai việc chính là củng cố và phát triển sản phẩm, phát triển thị trường. Chúng ta hiểu rằng trong tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp duy trì và sản xuất cầm chừng, chờ khi khó khăn từ kinh tế vĩ mô bớt đi, quay lại sản xuất mạnh hơn. Trong tình hình như vậy mà chúng ta đòi hỏi doanh nghiệp phải tập trung cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đưa ra thị trường các sản phẩm mới… thì tôi cũng thấy ái ngại. Tuy nhiên, để tăng lợi thế cạnh tranh, giữ vững sân nhà, theo tôi là bằng mọi giá các doanh nghiệp phải giải quyết được những khó khăn trong tình hình hiện nay và phải chọn ra những phân khúc thị trường, những sản phẩm cho trước mắt, cho lâu dài và cả cho thị trường ASEAN, đề ra những phân đoạn để chuẩn bị, củng cố sức lực về sản phẩm cũng như thị trường… Về điều này, tôi biết các doanh nghiệp làm ăn có tính đường dài đang tính toán. Tất nhiên một điều rất quan trọng là doanh nghiệp phải củng cố thương hiệu, và vị thế của mình trên thị trường trong nước và phải nghĩ tới việc thâm nhập vào thị trường của các nước lân cận.

Xin cám ơn Bà!