Doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 thế nào?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê sáng ngày 23/12, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2013, tình hình doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, diễn biến hàng tồn kho vẫn phức tạp.

Doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 thế nào?
Năm 2013, tình hình doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Nguồn: internet

Quy mô và năng lực sản xuất giảm sút

Ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng không đăng ký là 40116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.

Làm rõ hơn về số liệu doanh nghiệp, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý, mặc dù số doanh nghiệp giải thể ít hơn số thành lập mới là tín hiệu đáng mừng, nhưng quy mô vốn lại giảm đi, năng lực sản xuất kém hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2012 quy mô vốn cho 1 doanh nghiệp là 6,68 tỷ đồng, thì năm 2013, con số này chỉ còn hơn 5 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/01/2013 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 3135 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: 405 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 12,9%; 1401 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, chiếm 44,7% và 1329 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm 42,4%.

Kết quả điều tra có 2893 doanh nghiệp trả lời, trong đó 2854 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 98,7%; 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%.

Trong số 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước ngừng hoạt động thì tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản là 41,7%; doanh nghiệp chờ sắp xếp lại là 29,2%, doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ là 12,5%, còn lại là nguyên nhân khác. Trong số 15 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% ngừng hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản và chờ sắp xếp lại cùng chiếm 40%, còn lại là nguyên nhân khác.

So với năm 2000, số doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 01/01/2013 bằng 54,4%, giảm 2.624 doanh nghiệp; tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1 lần.

Về việc có sự chênh lệch giữa con số công bố của Chính phủ và Tổng cục Thống kê, ông Phạm Đình Thúy (Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp) cho biết, doanh nghiệp nhà nước theo quan điểm Tổng cục Thống kê bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước.

"Con số trên 1000 doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ công bố là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước“, ông Thúy chỉ rõ.

Tồn kho hiện vẫn cao

Về con số tồn kho của doanh nghiệp hiện nay, Tổng cục Thống kê chỉ rõ, hiện vẫn cao.

Cụ thể, chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012 (Cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%).

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8,8%; dệt tăng 6,3%; sản xuất trang phục giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,3%; sản xuất đồ uống giảm 21,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 37,8%.

Tuy nhiên, vẫn còn những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 127,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 96,4%; sản xuất kim loại tăng 45,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 32,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 27,6%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Một là 71,1%; tỷ lệ tồn kho bình quân mười một tháng năm nay là 73,7%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân mười một tháng cao là: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 121,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 115,1%.

Trước tỷ lệ hàng tồn kho cao như vậy, ông Thúy cho biết, tồn kho là hoàn toàn do doanh nghiệp chứ Nhà nước, hay các bộ, ngành không can thiệp.

"Chúng ta chỉ có hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chứ không thể hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp giảm tồn kho. Đến nay, Chính phủ và bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, bình ổn giá, chuyển hàng về nông thôn…“, ông Thúy cho biết thêm.