Doanh nghiệp Việt Nam với nguy cơ bị đánh trùng thuế phòng vệ thương mại

Theo eFinance

Một trong những đối tác lớn của Việt Nam - Hoa Kỳ, gần đây có những thay đổi pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua đạo luật cho phép điều tra, đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) chúng ta rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng” nếu bị áp cùng lúc 2 loại thuế này.

Doanh nghiệp Việt Nam với nguy cơ bị đánh trùng thuế phòng vệ thương mại
Toàn cảnh Hội thảo
Đó là nhận định của ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương tại Hội thảo “Ảnh hưởng của việc đánh trùng thuế đối với nền kinh tế phi thị trường trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp” diễn ra chiều ngày 17/12.

Điểm chung các vụ kiện chống bán phá giá và thuế trợ cấp lớn đối với Việt Nam thời gian qua điển hình như vụ kiện cá da trơn của Hoa Kỳ, vụ kiện tôm của Hoa Kỳ, vụ kiện xe đạp của EU, vụ kiện giày mũ da của EU, vụ kiện túi nhựa của Hoa Kỳ, vụ kiện lốp xe của Brazil… cho thấy: 2/3 số vụ kiện là nhằm vào top 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực và sử dụng nhiều lao động thủ công như tôm, cá, da giày…, ¾ vụ kiện nhằm vào top 10 thị trường xuất khẩu chủ lực.

Hậu quả là kim ngạch xuất khẩu sụt giảm và doanh nghiệp phá sản. Điển hình là sau vụ kiện bán phá giá giày mũ da của EU khiến kim ngạch và lợi nhuận của các DN xuất khẩu giày mũ da của Việt Nam sụt giảm tới hơn 40%, thậm chí có doanh nghiệp như xuất khẩu giày mũ da của An Giang giảm tới 84,3%, từ 4,5 triệu USD xuống còn 706 nghìn USD; Việt Phát từ 12 triệu còn 6,2 triệu USD (giảm 48,3%); Vinh Thông từ 9,4 triệu USD còn 4,9 triệu USD (giảm 47,8%)...

Rà soát mới đây cũng cho thấy, hiện sản phẩm thép và móc áo bằng thép của Việt Nam đang có nguy cơ bị đánh thuế 2 lần khi mà kể từ tháng 11/2011, ngành thép đã và đang phải chống chọi với 2 vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến vấn đề chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép cac-bon tiêu chuẩn. Tới ngày 18/01/2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam với biên độ phá giá là 117.48% - 220.60% dù mặt hàng này chưa phải là sản phẩm xuất khẩu mạnh của Việt Nam. Trước đó, vào năm 2010, sản phẩm này đã từng bị kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Có thể thấy, Hoa Kỳ gần đây đã có những thay đổi pháp luật về phòng vệ thương mại và nếu các kết luận cuối cùng dẫn đến việc áp cả hai loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ khiến các doanh nghiệp DN chúng ta rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng”, kéo theo đó, việc cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ vì vậy có thể sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lee Sunin - Chủ tịch Viện Nghiên cứu F&G: Dù gặp không ít thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thị trường xuất khẩu và các vấn đề liên quan đến sản phẩm nhập khẩu kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, song các DN Việt Nam lại chưa nắm chắc các công cụ pháp lý để bảo vệ mình trước rủi ro, nên ít khi có động thái mang tính chất tích cực. Chính vì thế, thông qua đây, cộng đồng DN có thể nhận thức đầy đủ ảnh hưởng của việc đánh trùng thuế, đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan nhà nước để giải quyết, bảo vệ lợi ích của mình trên môi trường kinh doanh quốc tế.

Cùng chung quan điểm, bà Phạm Châu Giang, Phó Trưởng nhóm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, Cục quản lý cạnh tranh cũng cho biết: Nhược điểm của các DN Việt Nam là bị động trước các vụ kiện do thiếu thông tin pháp lý, cũng như thông tin so sánh giá với các nước trong nhóm các nền kinh tế phi thị trường giống Việt Nam. Đặc biệt, DN của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ nên hệ thống sổ sách kế toán thiếu sự rõ ràng theo thông lệ quốc tế.

Hơn hết, để phòng tránh các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp trong thời gian tới, DN xuất khẩu Việt Nam cần cập nhật thông tin về pháp luật chống bán phá giá của các nước đối tác, qua đó, điều chỉnh giá xuất khẩu hợp lý. Các thông tin này hiện đã được phổ biến trên “Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá” qua Website: www.canhbaosom.vn. Với dữ liệu về 5 thị trường lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Brazil, Úc, Canada và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, may mặc, giày dép, máy móc, thiết bị điện, dụng cụ quang học, đo lường, nội thất… DN sẽ có được thông tin về mặt hàng cũng như thị trường đang có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá để né tránh, đồng thời, có giải pháp phù hợp nếu chửng may bị kiện chống bán phá giá/ chống trợ cấp.