Doanh nghiệp Việt tự tin với triển vọng kinh doanh

Theo thoibaonganhang.vn

Chính phủ đã không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh quý II/2016. Chỉ số đạt mức 77 cho thấy phản hồi tích cực của cộng đồng DN thành viên EuroCham về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nhìn chung, tình hình kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam trong quý vừa rồi được nhận định là tốt. 66,7% số DN phản hồi "Rất tốt" và "Tốt", và chỉ có 12,5% phản hồi "Không tốt" và "Rất xấu" khi được khảo sát đánh giá tình hình kinh doanh.

Liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý tiếp theo, nhận xét của các DN tham gia khảo sát cho thấy, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng sẽ được duy trì, với 56,3% phản hồi là “Ổn định và cải thiện”. 9,4% DN tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm, và 34,4% cho rằng sẽ không thay đổi.

Khảo sát này được thực hiện trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý của Anh về việc tiếp tục là thành viên hay rời khỏi EU (ngày 23/6), do đó kết quả khảo sát không liên quan đến sự kiện này.

Khoảng 49% DN được khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo. 15,6% trong số họ thậm chí còn lạc quan hơn, mong đợi một sự gia tăng đáng kể doanh thu trong quý tiếp theo.

Do đó, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và số lượng đơn hàng. Cụ thể, 43,8% DN phản hồi sẽ tăng cường đầu tư, trong khi 43,7% dự định tăng số lượng nhân viên.

Một số ít DN cho biết sẽ giảm số lượng nhân viên (4,1%) và 50% sẽ duy trì mức hiện tại. Kết quả này cũng tương tự đối với câu hỏi khảo sát về kế hoạch đầu tư, khi 40,6% DN phản hồi sẽ duy trì mức đầu tư hiện tại cho quý tiếp theo.

Ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham nhận xét, các kết quả của quý II/2016 cho thấy sự tích cực trong tương lai gần và sự hài lòng tương quan với tình hình hiện nay. DN thành viên EuroCham vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường Việt Nam và các hoạt động kinh doanh tại đây, do đó kết quả lần này không khác với các khảo sát trước đây.

Đây là một tiền đề tốt cho việc thực hiện Hiệp định Tự do thương mại EU - Việt Nam được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các DN châu Âu.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 69.403 DN, trong đó có 54.501 DN thành lập mới và 14.902 DN quay trở lại hoạt động. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 6 tháng đầu năm là 12.203 DN, các DN này sẽ hoạt động kinh doanh trở lại sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng.

Về tỷ lệ DN thành lập mới, hầu hết các ngành, lĩnh vực hoạt động có xu hướng tăng về tỷ lệ DN thành lập mới so với cùng kỳ: Kinh doanh BĐS đăng ký 1.354 DN, tăng 110,9%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đăng ký 243 DN, tăng 80%; Hoạt động dịch vụ khác đăng ký 484 DN, tăng 41,1%; Giáo dục đào tạo đăng ký 1.225 DN, tăng 40%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác đăng ký 4.252 DN, tăng 32,8%;...

Ngược lại, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí có số DN gia nhập thị trường giảm 32,2% (691 DN). Đồng thời, tỷ lệ vốn đăng ký ở một số ngành tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: Kinh doanh BĐS đăng ký 107.909 tỷ đồng, tăng 359,1%; Khai khoáng đăng ký 19.263 tỷ đồng, tăng 290,1%; Thông tin và truyền thông đăng ký 15.779 tỷ đồng, tăng 276,6%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác đăng ký 26.119 tỷ đồng, tăng 145,8%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga đăng ký 20.218 tỷ đồng, tăng 123,8%; Hoạt động dịch vụ khác đăng ký 1.096 tỷ đồng tăng 113,3%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đăng ký 8.445 tỷ đồng tăng 111,1%.

Một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 305.617 lao động; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 116.411 lao động; Xây dựng là 58.423 lao động; Vận tải kho bãi với 28.658 lao động.

Số DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2016 là 14.902 DN, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số hết sức khích lệ, cho thấy niềm tin của cộng đồng vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Có thể thấy những thành quả đã đạt được là do Chính phủ đã không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những biện pháp cụ thể trong ngắn hạn cũng như trung hạn.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể DN, thủ tục đầu tư...