Doanh nghiệp Việt và chuyện chia sẻ lợi ích để tồn tại

Theo Tuổi trẻ

Tận dụng lợi thế có hệ thống phân phối khá rộng của Blue Exchange, ông Hùng không giấu khả năng Garmex Sài Gòn sẽ đặt chân sâu hơn nữa vào thị trường kinh doanh hàng thời trang trong những năm tới.

Doanh nghiệp Việt và chuyện chia sẻ lợi ích để tồn tại
Việc Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn trở thành nhà sản xuất và cung ứng hàng may mặc thời trang cho Công ty thời trang Blue Exchange với giá trị hàng hóa ban đầu 50-70 tỉ đồng (quý 4-2011), và nâng lên 200 tỉ cho năm 2012, đã gây sự chú ý ở thị trường hàng may mặc nội địa.

Bởi lâu nay Garmex Sài Gòn chỉ sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, không “dây mơ rễ má” nào ở thị trường nội địa. Trong khi Blue Exchange là thương hiệu thời trang khá có tiếng trên thị trường với hơn 100 cửa hiệu trên toàn quốc, lại “chịu” nhận hàng từ nơi khác “rót” cho mình để bán, dù phần lớn kiểu dáng, mẫu mã đều do Blue Exchange cung cấp để Garmex Sài Gòn tổ chức sản xuất theo ý của mình.

Theo ông Lê Quang Hùng - chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn, chọn phương thức “mua đứt bán đoạn”, Garmex Sài Gòn chỉ làm theo số lượng đặt hàng của Blue Exchange. “Bán tới đâu chúng tôi thu tiền tới đó, còn việc tiêu thụ nhanh hay chậm, tồn kho nhiều hay ít là phần việc Blue Exchange lo” - ông Hùng nói.

Nhắc lại cơ duyên hợp tác với Garmex Sài Gòn, ông Lâm Quang Thái, chủ tịch Blue Exchange, nói ngoài yếu tố là cổ đông lớn của Garmex Sài Gòn, ý tưởng kết hợp được nảy sinh khi đôi bên đều thấy rằng việc hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai. Dưới góc nhìn của ông Thái, Garmex Sài Gòn là công ty có lịch sử lâu đời và có hệ thống tổ chức sản xuất, quản lý tốt trong ngành may mặc. Với trình độ công nghệ, kỹ thuật, hệ thống quản lý sản xuất hoàn hảo, Garmex sẽ cung ứng cho Blue Exchange sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh nhất do được sản xuất trên chuyền công nghiệp quy mô lớn.

“Khi sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn, đương nhiên giá thành nguyên liệu sẽ được kéo xuống và người tiêu dùng hoàn toàn được hưởng lợi khi giá bán của chúng tôi chỉ khoảng 150.000-300.000 đồng/sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước” - ông Thái chia sẻ.

Còn với ông Lê Quang Hùng, “cái được lớn nhất trong kế hoạch hợp tác này là tên tuổi của Garmex Sài Gòn bắt đầu chập chững đi vào thị trường hàng may mặc nội địa thông qua việc đính kèm tên với Blue Exchange trên từng sản phẩm hàng hóa”.

Tận dụng lợi thế có hệ thống phân phối khá rộng của Blue Exchange, ông Hùng không giấu khả năng Garmex Sài Gòn sẽ đặt chân sâu hơn nữa vào thị trường kinh doanh hàng thời trang trong những năm tới. “Chúng tôi sẽ học cách tổ chức phân phối ở thị trường nội địa ra sao, sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng thời trang như thế nào để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước... mà bản thân đối tác của chúng tôi là một người hết sức dày dạn kinh nghiệm” - ông Hùng thừa nhận.

Sự chuẩn bị này của ông Hùng xem ra cũng không thừa khi thị trường may mặc VN sẽ mở cửa hoàn toàn từ năm 2015 cho hàng loạt các nước trong và ngoài khu vực “ghé thăm” với thuế suất gần như không còn là rào cản quan trọng.

Rõ ràng, cả Blue Exchange lẫn Garmex Sài Gòn đều thấy sự cần thiết “phải có nhau”, nhất là khi cả hai đều có chung lợi ích, do được xây dựng trên cùng một nền tảng cốt lõi: hai bên đều có chung tầm nhìn chiến lược, đều cố gắng xây dựng hệ thống sản xuất cũng như chuỗi phân phối hoàn hảo để có thể mang lại lợi nhuận ở mức cao nhất.

Sự “quyết liệt” của việc hợp tác này còn được đánh dấu thêm bằng dự án cụm nhà máy Blue-Saigon vừa đi vào hoạt động với vốn đầu tư khoảng 40 tỉ đồng ở Quảng Nam, thu hút 1.500 lao động, không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của Garmex Sài Gòn mà còn hỗ trợ cho sự phát triển thị trường nội địa của hệ thống cửa hàng Blue Exchange ngày một “phình” to ra về số lượng.