Doanh nghiệp Việt yếu thế trước cơn lốc hàng ngoại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Thừa nhận khả năng cạnh tranh cao từ hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) song hầu hết DN Việt đều rất khó bứt phá.

Sản phẩm của các DN nội hiện đang bị sản phẩm của các DN ngoại đè bẹp ngay tại thị trường trong nước. Nguồn: internet
Sản phẩm của các DN nội hiện đang bị sản phẩm của các DN ngoại đè bẹp ngay tại thị trường trong nước. Nguồn: internet

Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cạnh tranh của hàng nội thực sự lép vế trước hàng nhập ngoại từ tiêu dùng cho tới nguyên, phụ liệu sản xuất.

Theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng Ba, cả nước có 12.027 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 118,7 nghìn tỷ đồng, tăng 120% về số DN và tăng 90,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Cũng trong quý I/2017, tới 56,2% DN cho biết khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Cụ thể là sản phẩm của các DN nội hiện đang bị sản phẩm của các DN ngoại đè bẹp ngay tại thị trường trong nước, hàng nhập đang chi phối thị trường nội địa từ tiêu dùng cho tới nguyên, phụ liệu sản xuất.

Phá sản vì hàng nhập

Trong tháng Ba, cả nước có 1.294 DN quay trở lại hoạt động, giảm 46,4% so với tháng trước; có 4.590 DN tạm ngừng hoạt động (gồm: 1.406 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 3.184 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 39,5%; có 744 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 20,9%.

Tính chung quý I/2017, cả nước có 26.478 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số DN và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9%.

Trong ba tháng đầu năm, có 9.271 DN quay trở lại hoạt động, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay lên hơn 35,7 nghìn DN.

Bên cạnh đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong ba tháng đầu năm 2017 là 3.268 DN, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 13,8%), trong đó có 3.008 DN với quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92%. Nếu phân theo loại hình DN, trong tổng số DN hoàn tất thủ tục giải thể, có 1.269 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 2.160 công ty cổ phần (chiếm 20,2%) và 817 DN tư nhân (chiếm 7,6%).

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý I/2017 gồm: 56,2% DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 44,2% DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 34,5% DN cho rằng vì khó khăn về tài chính; 31,2% DN cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 27% DN cho rằng lãi suất cao và 22,9% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.

Chia sẻ với cảm nhận của DN, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, cho biết, hàng ngoại đang có nhiều lợi thế đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Yếu tố đầu tiên chính là sự thắng thế trong các thương vụ mua bán và sáp nhập trên thị trường bán lẻ hiện nay.

Cụ thể, siêu thị nước ngoài đang chiếm 70% thị phần bán lẻ trong nước nên các siêu thị ngoại sẽ ưu tiên sử dụng hàng nhập khẩu từ nước họ. Ngoài ra, theo bà Thủy, hàng hóa nhập khẩu đang có thời cơ tấn công thị trường Việt khi theo chân các hiệp định thương mại tự do với thuế suất ưu đãi 0%, rất dễ thâm nhập và chiếm ưu thế so với hàng Việt.

Thực tế cho thấy, nhìn vào nhóm hàng tiêu dùng nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia… đang chiếm tỷ lệ lớn, tổng nhập khẩu tăng lên khá nhiều. “Hàng hóa này đi vào siêu thị, ảnh hưởng tới tiêu dùng và cạnh tranh gay gắt với hàng Việt Nam trên chính sân nhà”, bà Thủy nhận định.

Hiện hữu nỗi lo gia công

Đồng thời, sức ép của hàng hóa nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của hàng hóa trong nước. Cụ thể, đánh giá về tồn kho sản phẩm, 19,4% DN có lượng tồn kho quý I/2017, tăng so với quý trước.

Không chỉ nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nhiều mặt hàng nguyên, phụ liệu cũng đang được đẩy mạnh nhập khẩu, cho thấy “bức tranh” sản xuất gia công luôn hiện hữu trong nền kinh tế Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3/2017 ước đạt 17,40 tỷ USD, tăng 14,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,90 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,50 tỷ USD, tăng 15,2%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như vải tăng 30%; sản phẩm hóa chất tăng 26,2%; nguyên, phụ liệu dệt may, giày dép tăng 19,7%; sản phẩm chất dẻo tăng 17,4%; chất dẻo tăng 15,8%; điện thoại và linh kiện tăng 15,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,5%.

So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba tăng 21%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 21,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 20,7%. Một số mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công lắp ráp trong nước có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sắt thép tăng 39,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 24,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,6%.

Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I/2017 đạt 45,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 18,4 tỷ USD, tăng 24,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhập 27,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I/2017 tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng quý I/2017, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 7,6 tỷ USD, tăng 28,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15%; điện thoại và linh kiện đạt 2,9 tỷ USD, tăng 20,7%; sắt thép đạt 2,4 tỷ USD, tăng 45,4% (lượng giảm 5,3%)…

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu quý I/2017, theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 42 tỷ USD, tăng 22,7% và chiếm 92% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016), trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 18,8 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 41,1% (tăng 0,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 23,2 tỷ USD, tăng 22,7% và chiếm 50,9% (tăng 0,1 điểm phần trăm); nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 3,7 tỷ USD, tăng 19,7% và chiếm 8% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I/2017, Tổng cục Thống kê cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp tăng: điện thoại và linh kiện tăng 5,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 23,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,4%.

Điều này cho thấy, mặc dù DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động tăng cả về số lượng và vốn đầu tư, chiếm hơn 70% lượng xuất khẩu nhưng đầu tư của những DN này vào Việt Nam phần lớn vẫn ở hàm lượng giá trị gia tăng thấp, chủ yếu lắp ráp, nhập khẩu nguyên liệu, trong khi DN Việt đuối sức cạnh tranh.