Doanh nghiệp xuất khẩu: Chủ động với cách mạng 4.0

Theo daibieunhandan.vn

“Đừng coi thường đối thủ cạnh tranh! Phải xem về mặt xuất khẩu họ tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như thế nào, từ đó chủ động hơn, chứ không phải đủng đỉnh làm cho vui, trong khi nước ngoài họ đang nỗ lực để giành thị trường”. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra khuyến cáo này tại hội thảo Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam diễn ra sáng 18/8.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Báo Công thương
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Báo Công thương

Tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ bình quân 17,5%/năm. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, năm nay dự kiến vượt mốc 200 tỷ USD. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xếp Việt Nam ở vị trí 26 trong số các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở như vậy, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền… có thể giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Không dừng lại ở đó, công nghiệp 4.0 còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số” mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng. Qua đó, các hệ thống liên tiếp chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn hàng hay về sự cố hoặc lỗi. Nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí vật liệu.

Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những đột phá với những giống cây trồng mới có những tính năng thích ứng với tình trạng hạn hán, nước nhiễm mặn hoặc chống sâu bệnh và có năng suất, chất lượng cao nhờ công nghệ sinh học phân tử.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp doanh nghiệp giảm 30 - 80% chi phí hoạt động, quản lý; giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường mới, kết nối và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và trong khu vực cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là bước ngoặt để các doanh nghiệp đổi mới bản thân. “Nếu không tận dụng tốt “con tàu” 4.0, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp, dần tụt lùi và lạc hậu so với thế giới”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Nhanh chóng hành động

Tuy nhiên, song hành với cơ hội là vô số thách thức. Các chuyên gia cho rằng, trong 10 năm tới, sẽ có khoảng 60% giao dịch xuất nhập khẩu được số hóa, trong đó các lĩnh vực viễn thông, nguyên vật liệu sẽ được áp dụng nhiều nhất. Để đáp ứng, doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi về mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị; đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cho công nghệ thông tin, do đó những rủi ro công nghệ tăng cao. Bên cạnh đó, tiềm ẩn sự cạnh tranh tinh vi, khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Xu hướng phát triển của tiền điện tử sẽ tác động đến hệ thống thanh toán và thị trường tiền tệ.

Đặc biệt, thách thức về nguồn nhân lực là vô cùng lớn. Khi xu hướng công nghệ cao du nhập, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực dồi dào, sở hữu chuyên môn hóa cao hơn rất nhiều. Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy lo rằng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam còn quá thấp, với nền tảng như vậy thì rất khó để nói về trí tuệ nhân tạo.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp dệt may về việc cần phải làm gì để hòa nhập và thay đổi, tránh bị mất thị trường như trường hợp của taxi truyền thống, TS. Cấn Văn Lực phân tích: Với cách mạng công nghệ 4.0, khoảng 86% lao động dệt may bị tác động.

Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều công việc mới thay thế, nên sẽ cần có lao động mới. “Việt Nam mới chỉ mạnh về gia công, thủ công, còn những mảng như thiết kế và phân phối liệu đã tham gia đầy đủ chưa? Ngành dệt may cũng cần phải tự điều tiết và nỗ lực thay đổi. Phải biết đào tạo, nhìn nhận, bố trí nhân lực cho những công việc khác nữa”, ông đề xuất.

Cách mạng 4.0 đang tiến đến rất gần, tác động của nó đến doanh nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khuyến cáo doanh nghiệp phải nhanh chóng hành động với những biện pháp cụ thể.