Nhìn lại 10 năm công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh:

Động lực thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi lễ thường niên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2014. Từ sự e ngại, thậm chí phản đối ban đầu, đến nay các địa phương đều tích cực ủng hộ việc điều tra, đánh giá, xếp hạng PCI. Bởi đây không chỉ là kênh thông tin quan trọng để các nhà đầu tư tham khảo khi lựa chọn địa điểm đầu tư mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI trao đổi vấn đề này.

Thưa ông, nếu nhìn lại và so sánh thời kỳ đầu VCCI tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố PCI cấp tỉnh với hiện nay, ông thấy có sự chuyển biến như thế nào về nhận thức dẫn tới hành động ở các địa phương trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

Nếu nhìn lại 10 năm trước khi bắt đầu công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2005 thì phản ứng đầu tiên của tất cả là bất ngờ. Vì chính quyền địa phương không nghĩ rằng doanh nghiệp có thể xếp hạng rồi đánh giá chính quyền cấp tỉnh. Từ bất ngờ như vậy dẫn đến việc nghi ngờ, kể cả các tỉnh dẫn đầu đến các tỉnh xếp cuối, phương pháp thế nào, động cơ gì và từ đó chia ra 2 nhóm.

Nhóm dẫn đầu sau khi tìm hiểu thì thấy tự tin, còn nhóm cuối phản đối, thậm chí phản đối quyết liệt, kể cả cho về động cơ làm như vậy là không tốt, kể cả cho rằng phương pháp làm như vậy là chưa chuẩn. Thế nên đó là cả một quá trình.

Tuy nhiên, sau 10 năm chúng tôi nhìn lại là sự đồng thuận của tất cả các tỉnh thành và không chỉ đồng thuận của những người đứng đầu chính quyền mà bây giờ chuyển đến các sở ban, ngành, các quận, huyện và hơn 40 tỉnh, thành phốë đưa chỉ số PCI vào sinh hoạt chính trị, hành chính thành công cụ để cải thiện điều hành ở địa phương và nó cũng là một công cụ để gây áp lực lên án cán bộ công chức mà đang còn trì trệ, và nó cũng là công cụ để kích thích thi đua, sáng tạo giữa các tỉnh thành với nhau.

Rõ ràng PCI đã vượt lên một chỉ số đánh giá đơn thuần và trở thành “hàn thử biểu” về môi trường kinh doanh ở các địa phương, thưa ông?

PCI được coi như hàn thử biểu là vô cùng chính xác, bởi nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng chúng tôi còn tốt hơn so với công bố. Nhưng thực ra PCI bằng phương pháp khoa học, nó gần như nhiệt kế để đo nhiệt độ ngoài trời. Nó là nhiệt kế nên bảo đảm chính xác, vì vị trí đặt nhiệt kế cũng phải bảo đảm khoa học, và rõ ràng sự hài lòng của doanh nghiệp địa phương đã được thể hiện và cái nhiệt kế này đo được mức độ hài lòng đến đâu chứ không phải phụ thuộc vào ý chí cũng như phụ thuộc vào mong muốn, suy nghĩ của địa phương. PCI là công cụ độc lập, là hàn thử biểu để đo độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, cho nên chúng tôi cho rằng đây là phương pháp khoa học.

Có lẽ vì thế mà chúng ta có thể thấy nhiều địa phương đều có vẻ hồi hộp, căng thẳng trước mỗi lần công bố PCI. PCI đã và đang tạo ra cuộc đua giữa các địa phương và kết quả là doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi, kinh tế địa phương phát triển mạnh hơn, phải không, thưa Ông?

Các địa phương chờ ngày công bố PCI hàng năm như chờ công bố điểm thi, cho nên có hồi hộp, căng thẳng, có lo lắng, đợi chờ. Dẫu sao cũng là kết quả của một năm họ phấn đấu, cố gắng để cải cách hành chính, cố gắng để hỗ trợ doanh nghiệp, nên doanh nghiệp cảm nhận được điều đó như thế nào, kết quả ra làm sao, tôi nghĩ tất cả đều hồi hộp và chờ đợi. Nhưng ở đây tôi xin nhấn mạnh 2 điểm: một là chúng ta coi đây vừa là yếu tố cạnh tranh và vừa là yếu tố thi đua, nhờ có việc công bố chỉ số PCI như vậy nên các tỉnh có thể biết được mình đứng ở đâu trên bản đồ cạnh tranh của cả nước để thu hút đầu tư. Thứ hai là vấn đề không phải thứ hạng cao hay thấp mà mỗi lần công bố như vậy thì so sánh với quá khứ, xem đã có được cải thiện so với chính mình không? Đây là một điểm mà tôi cho rằng hết sức quan trọng, bởi như tôi nói đây là một cuộc đua đường trường chứ không phải 1 năm 2 năm.

Qua theo dõi, đến nay những tiêu chí nào nhìn chung các địa phương dễ thực hiện, hoặc buộc phải thực hiện do sức ép của tiến trình cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi cả nước, còn lại khó ở những tiêu chí nào và cần được tiếp tục ra sao, thưa Ông?

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chúng tôi thấy có những chỉ số chỉ cần thay đổi pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát là có thể cải thiện được. Như, chỉ số gia nhập thị trường, bao gồm vấn đề đăng ký kinh doanh, rồi những loại giấy để cấp cho doanh nghiệp khi tham gia. Chúng ta làm rất tốt điều này, không những đây là đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, mà đánh giá của các tổ chức quốc tế về chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn rất là tốt, là kết quả của việc chúng ta sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Đây là một bài học để cho rằng làm về chính sách là phải đi tiên phong và cố gắng thực hiện chính sách thật tốt thì mới có hiệu ứng lan tỏa ngay đươc. Tuy nhiên cũng có những chỉ số đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại, hay quyết tâm, dũng cảm, những chỉ số như là chỉ số minh bạch là rất khó cải thiện. Vì minh bạch là làm cho Nhà nước trở nên trong suốt, như là nhìn trên lòng bàn tay để họ đánh giá. Như vậy các nhóm lợi ích ít có cơ hội để ngóc đầu lên được, thì năng lực của chỉ số địa phương thông qua chỉ số minh bạch cũng là một cách để người dân đánh giá.

Đồng thời, minh bạch đi kèm với nó là trách nhiệm giải trình. Tại sao anh lại ra cái quyết sách này mà không phải quyết sách kia? Tại sao anh lại ra quyết định này mà không phải quyết định nọ? Chỉ số thứ hai mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là chỉ số về nguồn nhân lực. Nó liên quan đến vấn đề giáo dục, đào tạo, liên quan đến cả quá trình lao động sáng tạo của nguồn năng lực mà điều kiện Việt Nam hội nhập một cách sâu rộng như hiện nay. Việt Nam bây giờ chỉ có điều kiện là con người, nguồn nhân lực nếu như chúng ta làm tốt vấn đề này thì chúng ta mới thu hút được công nghệ, thu hút được khoa học, mới gắn kết được với thế giới. Đấy là 2 chỉ số mà tôi cho rằng rất khó để cải thiện và không có bước đột phá.

Theo Ông, PCI cấp tỉnh có cần bổ sung các tiêu chí hay việc đáp ứng của các địa phương cần được nâng lên một yêu cầu mới như thế nào? Những địa phương vẫn ở cuối bảng xếp hạng cần bứt phá ra sao?

Cuộc sống thì luôn luôn vận động và chỉ số thì cũng cần thay đổi để phù hợp với cuộc vận động đó, rõ ràng chúng tôi thấy trong 10 đã thay đổi chỉ số PCI, thay đổi cả chỉ tiêu. Vì sao phải thay đổi? Vì thực tế đã thay đổi và việc điều chỉnh đó là cần thiết để phản ánh trung thực, chính xác, kịp thời sự vận động của chính sách, địa phương; thứ 2 là các tỉnh có chỉ số đang thấp thì 10 năm trước điểm số của họ rất thấp và nhờ có cải thiện PCI mà bây giờ họ vẫn đứng cuối bảng, nhưng số điểm và mức độ hài lòng của người dân tăng lên hơn rồi.

Thế nên đây cũng là một thông điệp để thông báo con đường chúng ta đi là đúng - sử dụng PCI để nâng cao năng lực cạnh trạnh, để cải thiện chất lượng điều hành là đúng, chỉ cần chúng ta kiên nhẫn. Hướng về những người yếu thế trong xã hội, những doanh nghiệp nhỏ bé để cải thiện môi trường kinh doanh thì tôi nghĩ rất bổ ích, không những đối với những tỉnh dẫn đầu mà còn đối với những tỉnh hiện nay đang ở cuối cùng.

Thưa Ông, có ý kiến cho rằng, sự ra đời và thực hiện trong 10 năm qua của PCI cấp tỉnh đã khơi nguồn cảm hứng để trong hai năm 2014 và 2015 Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết cùng có số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông nhìn nhận như thế nào?

Chính phủ ban hành bộ chỉ số để đánh giá về chất lượng điều hành của công chức trong điều hành của chính quyền và đặc biệt vừa qua, với Nghị quyết 19 của năm 2014, 2015 thì thấy điểm rất mới là Chính phủ quyết đặt Việt Nam vào vị trí cạnh tranh trên bản đồ cạnh tranh của khu vực và thế giới, nhằm 2 mục tiêu: một là cải thiện môi trường kinh doanh, hai là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Lần này Chính phủ lấy những chỉ tiêu của thế giới, lấy được cách đánh giá của các tổ chức độc lập ở bên ngoài và cách làm này thì chúng tôi nghĩ là hoàn toàn giống như cách làm của PCI 10 năm trước, cũng lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Và Nghị quyết 19 cũng lấy ý kiến của các doanh nghiệp để làm việc này cho nên có tính chất tương đồng, và đặc biệt có tính chất tương hỗ để hỗ trợ lẫn nhau giữa PCI và Nghị quyết 19 của Chính phủ. Nghị quyết 19 đã giao cho các bộ, ban, ngành, các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, PCI giao cho cấp huyện, xã, đấy là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa quốc gia và từng đơn vị hành chính của từng địa phương. Thế nên, ở đây không hề có xung đột mà là tác động vĩ mô đến vi mô.

Xin cám ơn Ông!