Đột phá thể chế kinh tế để doanh nghiệp phát triển

TS. NGUYỄN MINH PHONG

(Tài chính) Thực tế cho thấy, sự bất cập về phân định thành phần kinh tế đã gây ra nhiều định kiến và phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế từ trong nhận thức, tâm lý, đến chính sách và hành động, dẫn đến hạn chế khả năng, sức sáng tạo và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp.

Xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nguồn: internet
Xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nguồn: internet
Một số bất cập thể chế về DN

Hiện nay Việt Nam đang xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, các DN đều bình đẳng trong kinh doanh và trước pháp luật. Tuy sự tồn tại của DNNN là một tất yếu khách quan, nhưng một thời gian các DNNN đã không phát huy được hiệu quả của mình nên việc cải cách lại khối DN này là chắc chắn. Tuy nhiên, việc cải cách DNNN thời gian qua còn chậm có một nguyên nhân quan trọng khác là Nhà nước vẫn duy trì những chính sách ưu đãi đối với DNNN. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN và yêu cầu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN còn khác nhau.

Trong khi đó, các DN tư nhân với nỗi ám ảnh về “thành phần” nên vẫn e dè và ngần ngại khi tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế. Để rồi, một bộ phận doanh nhân “vừa làm, vừa lo”, làm ăn kiểu “chụp giật” hoặc “lách luật”, che giấu vốn, doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, một số DN tư nhân (DNTN) thì tự “thổi phồng”, khai vống vốn điều lệ và năng lực, kinh nghiệm để đánh bóng với hy vọng đủ tiêu chuẩn dự thầu và có lợi thế trong cạnh tranh, thắng thầu với các DNNN và DN có vốn FDI.

Thực tế thì đa số các DNTN tập trung nhiều vào những ngành nghề đòi hỏi vốn ít, thời gian thu hồi vốn nhanh; tính liên kết cộng đồng còn yếu, kém bền vững. Các quan hệ hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau mới chủ yếu “khép kín” trong từng thành phần kinh tế... Ngoài ra, các DNTN còn gặp những khó khăn hơn so với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác về diện tích mặt bằng và tiếp cận những điều kiện về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Cũng cần nhìn nhận rằng công tác quản lý nhà nước và trợ giúp các thể chế thị trường còn lúng túng, hạn chế, đặc biệt, về cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ. Định kiến và nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn cho các DNTN trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Bên cạnh đó, các hoạt động của các hiệp hội DN còn yếu, chưa thu hút được nhiều hội viên, do thiếu kinh nghiệm, điều kiện hoạt động còn hạn chế, và thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp ngành liên quan.

Cùng với đó, khung pháp lý cho việc hình thành thị trường lao động vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo được cân bằng quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều quy định pháp lý về bản quyền, về phát minh và chuyển giao công nghệ vẫn chưa đi vào cuộc sống, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh.

Đặc biệt, chưa có những quy định pháp lý tạo điều kiện cho các DNTN tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho nghiên cứu và triển khai. Thiếu những quy định và chế tài hiệu quả bảo vệ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng trong xã hội. Thiếu những quy định và chính sách cần thiết tạo điều kiện cho các DNTN xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế, làm giảm lợi thế kinh doanh, gây thiệt thòi cho cả bản thân DN và cộng đồng, khiến nền kinh tế phát triển dưới mức tiềm năng.

Những vấn đề tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do quan điểm về sự phân biệt giữa các thành phần và định kiến với khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được đổi mới một cách cơ bản. Chưa xử lý hài hòa và hiệu quả một số vấn đề về nội dung, phương thức, mức độ quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế.

Các yêu cầu hoàn thiện thể chế quản lý các DN

Trong thời gian tới, yêu cầu hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với các DN cần hướng đến việc xóa bỏ sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế; tạo lập và duy trì ổn định các điều kiện thể chế và những yếu tố khách quan có liên quan để bảo đảm sự phát triển và quản lý phát triển các thành phần kinh tế trên cơ sở ngày càng tự do hóa, bình đẳng hóa và phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới. Cần tăng cường sự hợp tác, gắn kết giữa các DN và thành phần kinh tế, cũng như tạo sự đồng thuận xã hội cao… nhằm khai thác, phát triển và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Để có thể sớm hoàn thiện thể chế quản lý và phát huy sự chủ động và lợi thế của các DN, đầu tiên là chúng ta cần thay đổi từ nhận thức để phân biệt rõ các khái niệm sở hữu, khu vực kinh tế và loại hình DN, trong đó thay cụm từ “thành phần kinh tế” bằng cụm từ “khu vực kinh tế” hoặc “loại hình kinh tế” và giảm sự phân loại từ năm thành phần xuống còn ba khu vực, gồm kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng với trong thống kê nhà nước các cấp hiện nay.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật DN chung điều chỉnh hoạt động các DN trong nước, khắc phục sự phân biệt, mặc cảm về thiếu bình đẳng trong các thành phần kinh tế. Đồng thời, cần điều chỉnh lại Luật Hợp tác xã theo hướng khắc phục tính bình đẳng hình thức và thiếu căn cứ kinh tế trong tổ chức hợp tác xã. Mặt khác, cần đổi mới căn bản công tác cán bộ và quản lý DNNN theo hướng thi tuyển, thuê giám đốc và các chức danh quản lý khác. Gắn chặt và cụ thể hóa những yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền hạn và quyền lợi của giám đốc và các chức danh quản lý DNNN.

Xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích “quản chặt DN” sang “hỗ trợ DN” bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu. Xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin DN, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản… được nối mạng nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như quản lý nhà nước và phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kinh doanh, các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và các vi phạm bản quyền, an ninh, trật tự an toàn văn minh thương mại và thị trường khác.

Xúc tiến nhanh hơn, triệt để hơn việc tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công, xây dựng một nền hành chính hiệu quả và minh bạch. Cần phân định và làm rõ các quy chế pháp lý khác nhau đối với các loại cơ quan, phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của sở, ban, ngành, phối hợp với các bộ liên quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy công việc và trách nhiệm.

Ngoài ra, giảm bớt quyền của cơ quan và công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhất là quyền “thẩm định”, “phê duyệt”, “chấp thuận”, quyền cho phép và cấp phép kinh doanh... để chuyển sang hướng dẫn, kiểm tra việc thực thi pháp luật.

Cần nghiên cứu thành lập Cục quản lý đăng ký kinh doanh quốc gia có chi nhánh ở các tỉnh, địa phương, làm nhiệm vụ cấp đăng ký và quản lý kinh doanh cho tất cả các loại hình DN thuộc các thành phần kinh tế. Phát triển hệ thống các quỹ đầu tư, hỗ trợ DN phát triển, bên cạnh việc tăng cường vai trò các hiệp hội ngành nghề trong xây dựng, ban hành các quy định quản lý Nhà nước. Sớm xây dựng hệ thống tiêu thức đánh giá xếp hạng tín nhiệm DN không phân biệt thành phần kinh tế.

Đặc biệt, cần không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm bảo đảm sự thích nghi nhanh chóng với các biến động thị trường và bối cảnh chung nền kinh tế trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm tính khả thi của những giải pháp đề xuất trong thực tiễn địa phương, lấy sự phát triển nhanh kinh tế tư nhân và hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những cơ chế, chính sách được lựa chọn.