Đừng tự biến mình thành “con tin”

Theo ktdt.vn

(Tài chính) "Nhiều ngân hàng đang trở thành "con tin" của doanh nghiệp"- đó là cách ví von của một chuyên gia kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngân hàng bị nợ xấu của doanh nghiệp "làm khó" là câu chuyện không mới hai năm trở lại đây. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do kinh tế khó khăn, sức cầu yếu, doanh nghiệp kiệt sức… việc cho vay dưới chuẩn, cho vay "người nhà" và sự xuống cấp của đạo đức cán bộ ngân hàng… cũng là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng "chìm" trong vũng lầy nợ xấu.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống chiếm 4,62% tổng dư nợ. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với mức 4,64% cuối tháng 8/2013, nhưng tăng 20,2% so với cuối năm 2012. Tái cơ cấu ngân hàng được coi là "chìa khóa" để giải thoát ngân hàng khỏi tình trạng là "con tin" nợ xấu của doanh nghiệp. Cụ thể của vấn đề tái cơ cấu là việc làm sạch bảng cân đối kế toán, loại bỏ tình trạng sở hữu chéo chằng chịt trong hệ thống ngân hàng. 

Muốn làm được điều này, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giám sát được hoạt động của các ngân hàng thương mại, tránh tình trạng lợi dụng việc cơ cấu lại nợ để tìm cách lách chính sách cho doanh nghiệp "sân sau", các nhóm lợi ích được tạo ra bởi tình trạng sở hữu chéo.

Bên cạnh đó, nếu không cắt bỏ được "mạng nhện" sở hữu chéo, không chấm dứt được tình trạng các ông chủ tập đoàn đứng sau các ngân hàng để lũng đoạn ra khỏi thị trường tài chính, nợ xấu sẽ rất khó xử lý nhằm giúp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công, giúp dòng vốn tín dụng "chảy" được vào nền kinh tế.

Quản trị ngân hàng hiện đang được coi là một điểm yếu lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua bộ phận quản lý rủi ro dường như chưa được phát huy chức năng, nhiệm vụ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Bởi vậy, cải thiện quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, tuân thủ những chuẩn mực mà Ngân hàng Nhà nước đề ra đang là vấn đề cấp thiết đối với các ngân hàng thương mại hiện nay.