Gấp rút hoàn thiện thị trường mua bán nợ

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Nhiệm vụ của Công ty Quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) là góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp (DN) và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, muốn hoàn thành các nhiệm vụ này phải có nhiều thời gian bởi còn nhiều vướng mắc cần xử lý để khơi thông hoạt động mua bán nợ xấu.

Gấp rút hoàn thiện thị trường mua bán nợ
Khai thông được khối nợ xấu sẽ góp phần khai thông nguồn vốn tín dụng. Nguồn: internet

Tiến tới mua nợ xấu theo giá thị trường

Phóng viên: Thưa ông, mục tiêu đặt ra ban đầu cho VAMC là mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM), sau đó tìm nguồn bán khối nợ xấu này. Đánh giá của ông về việc thực hiện 2 nhiệm vụ của VAMC trong thời gian qua?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực tế thời gian qua VAMC chủ yếu tập trung triển khai mua nợ xấu. Tính đến cuối năm 2013, VAMC đã mua lại khoảng 39.000 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD và đã đòi được khoảng 200 tỷ đồng nợ xấu. Trong quý I/2014, VAMC đã mua 3.929 tỷ đồng nợ xấu với giá 3.048 tỷ đồng.

Tổng cộng từ khi bắt đầu mua nợ của các NHTM, đến nay VAMC đã mua gần 43.000 tỷ đồng nợ xấu với tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành đạt 35.448 tỷ đồng, đồng thời thu hồi được trên 300 tỷ đồng trong tổng số nợ xấu đã mua. Việc mua nợ xấu đã góp phần thiết lập lại mối quan hệ giữa ngân hàng và DN. Theo đó, DN có thể tiếp cận được ngân hàng để vay mới, đồng thời ngân hàng cũng có thể cho DN vay mới không sợ phải trích lập dự phòng rủi ro khi DN đang còn nợ cũ.

Trước đây, với những DN có nợ xấu tại ngân hàng , ngân hàng đó không dám cho vay vì sợ phải trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ xấu nhất. Thí dụ, món nợ đó của DN rơi vào nợ nhóm 5, ngân hàng cho vay mới phải trích lập dự phòng 100%, tức cho vay 100 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 100 tỷ đồng. Bây giờ nợ xấu đã bán cho VAMC, ngân hàng cho DN vay không phải trích lập dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn nợ xấu nữa. Vì vậy ngân hàng và DN có thể khơi thông tín dụng được.

Về nhiệm vụ thứ 2 của VAMC là bán nợ cũng rất quan trọng và phụ thuộc lớn vào việc phải có thị trường, có khách hàng. Đầu năm 2014, VAMC đã lên kế hoạch thành lập Ban xử lý nợ, thực hiện cơ cấu lại nợ để tạo điều kiện hỗ trợ DN có thể tiếp tục vay vốn mới, lãi suất các khoản nợ xấu đã mua về được định hướng hạ về mặt bằng lãi suất hiện nay.

Nhiệm vụ của ban này là xử lý các khoản nợ đã mua từ NHTM. Cho đến nay phần lớn đơn hàng hỏi mua nợ xấu là của nhà đầu tư nước ngoài và số lượng muốn tham gia nhiều hơn mong đợi. Cụ thể, kể từ khi VAMC thực hiện mua khoản nợ xấu đầu tiên, đến nay đã có 50-60 tổ chức quốc tế đến tìm hiểu và có ý định mua lại các khoản nợ xấu.

Trong việc xử lý nợ xấu, phần lớn các nước sử dụng công ty mua bán nợ đều thành công, như Thụy Điển, Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việc mua bán nợ sẽ làm cho nợ xấu minh bạch hơn và quan trọng là NHNN không dùng tiền mặt để mua mà dùng trái phiếu đặc biệt để khống chế lượng tiền cung ứng, đảm bảo không gây ra lạm phát. Tuy nhiên, ở các nước, vấn đề người nước ngoài mua và sở hữu tài sản không vướng như ở Việt Nam nên tiến hành dễ dàng hơn.

Trong số đó có cả tập đoàn tài chính lớn như Blackstone, một tập đoàn chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam vì không có hợp đồng nào đủ lớn để họ tham gia, nhưng nay cũng muốn mua nợ xấu từ VAMC.

Tuy nhiên, hiện nay các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo chủ yếu bằng bất động sản, trong khi thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa hoàn thiện, nên muốn bán được nợ cho nước ngoài cần tháo gỡ một số vướng mắc về pháp lý, đặc biệt về thủ tục mua, bán nợ phải thật nhanh. Hiện VAMC đang trình các quy chế, quy trình, quy định bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo kế hoạch, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và hoàn thiện đề án mua nợ theo giá thị trường (kèm theo Đề án này là mua hẳn, bán hẳn), đồng thời hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với các khoản nợ xấu để nhà đầu tư yên tâm. Để bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, VAMC đang soạn thảo các quy trình thực hiện nên phải chờ.

Cái khó hiện nay là nhiều quy định trong các luật đang có sự bất đồng trong một số vấn đề, như cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, cho thuê, cho chuyển nhượng bất động sản… Bên cạnh đó, thủ tục chuyển đổi các dự án cũng cần được giải quyết nhanh gọn hơn. Bởi trước đây người nước ngoài mua một dự án lớn họ không được sở hữu mà chuyển sang thuê, nên thủ tục chuyển đổi cần được chính quyền địa phương giải quyết nhanh gọn hơn.

Mạnh tay xử lý, tránh hậu nợ xấu

Thời gian qua, các ngân hàng cho rằng đã công khai minh bạch nợ xấu để bán cho VAMC, nhưng vì sao nợ xấu của các TCTD báo cáo vẫn lệch pha với NHNN? Điều này có rủi ro?

Công khai, minh bạch nợ xấu rất quan trọng và rất cần thiết, nhưng điều này lại liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm lợi nhuận ngân hàng giảm. Theo tôi, dù tỷ lệ nợ xấu như thế nào NHNN cũng phải xử lý thông qua công cụ VAMC và nguồn trích lập dự phòng rủi ro từ chính các ngân hàng.

Với các khoản nợ xấu đã mua, VAMC đang xác định những khoản nợ nào có thể tái cơ cấu được sẽ tiếp tục hỗ trợ. Với DN có phương án kinh doanh khả thi, có thị trường tiêu thụ hàng hóa, đề án tái cấu trúc tốt và đề ra được lộ trình trả nợ sẽ được VAMC xem xét cơ cấu lại nợ, hoặc yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất kinh doanh. Với những DN có khoản nợ quá xấu phải chấp nhận giải thể, phá sản hay phát mại tài sản theo quy định.
Đây là các giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay. Như vậy, trong ngắn hạn chúng ta không quá lo ngại về các nhân tố rủi ro tiềm ẩn gây đổ vỡ hệ thống.

Năm 2011 nợ xấu tính theo chuẩn của Việt Nam là 14,7%, còn các tổ chức quốc tế đánh giá đến 30%. Tuy vậy, 3 năm qua NHNN đã tiến hành tái cấu trúc tổng thể, kéo nợ xấu xuống mức thấp và đã giảm bớt số lượng NHTM.

Trước đây, chúng ta lo lắng vì nợ xấu tập trung trong bất động sản, nhưng hiện nay dù giá bất động sản xuống đáy nhưng DN vẫn có lãi và niềm tin thị trường đang hồi phục rất lớn nên cũng giảm bớt nguy cơ. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá cao so với mức bình quân ở các nước trong khu vực, đầu tư nước ngoài tăng nhanh kể cả vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện.

Các yếu tố này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam với những triển vọng tích cực trong trung hạn. Điều quan trọng hiện nay trong xử lý nợ xấu là các khoản nợ của ngân hàng có đủ chuẩn để bán cho VAMC hay không.

Việc xử lý nợ xấu thời gian qua diễn ra chậm do chúng ta không có tiền, ngân sách bị thâm hụt và Quốc hội không cho phép dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu của ngân hàng và DN. Trong khi đó, sử dụng tiền của NHNN không thể thực hiện mạnh và nhanh để tránh lạm phát bùng lên, ảnh hưởng ngược đến sự an toàn của hệ thống NHTM.

Nhưng làm thế nào để ngân hàng minh bạch nợ xấu trong thời điểm tái cơ cấu NH?

Để tái cơ cấu hệ thống NHTM trong năm 2014, ngành ngân hàng phải thực hiện 5 nhiệm vụ, gồm: (1) tăng vốn điều lệ thực theo yêu cầu; (2) hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính, xử lý nợ xấu; (3) đáp ứng đầy đủ giới hạn an toàn; (4) tiếp tục tái cơ cấu hoạt động và quản trị; (5) tiếp tục hợp nhất, mua bán, sáp nhập.

Năm 2014, Chính phủ sẽ quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thanh tra các NHTM và mạnh tay hơn đối với ngân hàng giấu nợ xấu để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nhằm đạt được các mục tiêu như hoàn thành xử lý nợ xấu, áp dụng thực tế các chuẩn mực kế toán và an toàn, hoàn thành tái cơ cấu hoạt động, quản trị của các ngân hàng.

Nếu các ngân hàng giải quyết được vấn đề nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng sẽ sớm được cải thiện. Hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản như mua lại nợ xấu trong lúc thị trường tài sản đình đốn, xử lý dần quan hệ sở hữu phức tạp, thiếu minh bạch giữa các ngân hàng song song với việc giữ ổn định thanh khoản.

Vậy theo ông, cần thêm những giải pháp và chính sách nào để khơi thông cục nợ xấu?

Vấn đề hiện nay là làm thế nào để các ngân hàng đẩy nhanh việc bán nợ cho VAMC. Hiện nay, hồ sơ về nợ xấu, về tài sản đảm bảo cũng có đầy đủ, việc minh bạch toàn bộ như vậy rất cần thiết và NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm khắc để nợ xấu bộc lộ toàn bộ nhằm xử lý triệt để. Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng thực và tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam đã đến giới hạn.

Theo đó, nếu muốn tạo dựng mức tăng trưởng tiềm năng mới, đưa nền kinh tế từ tăng trưởng thấp lên tăng trưởng cao hơn phải xử lý triệt để vấn đề nợ xấu và tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng bằng cách hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng, thậm chí chấp nhận cho ngân hàng yếu kém phá sản. Như vậy, hệ thống ngân hàng mới có thể trở lại lành mạnh, minh bạch.

Việc VAMC mua nợ xấu sẽ bán lại cho ai là vấn đề khác, liên quan đến tài chính nhà nước, sẽ từng bước được giải quyết.

Song song đó cũng cần lưu ý đến các vấn đề như lòng tin đối với ngân hàng đang ở mức thấp và DN lũng đoạn ngân hàng khiến nợ xấu tăng, nếu chúng ta không được cải thiện được vấn đề này có thể xảy ra tình trạng món nợ xấu này được giải quyết xong, nhưng vài năm tới lại phát sinh và phải giải quyết các món nợ xấu khác.

Xin cảm ơn ông.