Gia tăng tài sản ngân hàng

Theo tapchithue.com.vn

Theo số liệu thống kê vừa được NHNN công bố, tính đến 31/3/2016 tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD đạt 7.504.542 tỷ đồng, tăng 130.891 tỷ đồng so tháng trước và 185.229 tỷ đồng so với cuối năm 2015 (tương đương tăng 2,53%).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với kết quả này, các chuyên gia cho rằng, đây là điều không nằm ngoài dự báo, song việc tổng tài sản của hệ thống tăng mạnh trở lại chỉ trong một thời gian ngắn (tính từ tháng 1/2016) là điều đáng mừng. Theo đó, ngoại trừ tổng tài sản của NHCSXH là giảm 278 tỷ đồng xuống 150.409 tỷ đồng; tổng tài sản của tất cả các khối đều tăng khá mạnh trong tháng 3.

Trong đó, tăng mạnh nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần khi tổng tài sản của khối này đã tăng 52.132 tỷ đồng lên 2.999.268 tỷ đồng; đứng thứ hai là khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài với mức tăng 36.804 tỷ đồng lên 816.704 tỷ đồng; khối NHTM Nhà nước đứng thứ 3 khi tài sản tăng thêm 36.415 tỷ đồng lên 3.336.132 tỷ đồng. Tiếp đó là khối công ty tài chính – cho thuê tăng 3.973 tỷ đồng lên 96.409 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân tăng 1.488 tỷ đồng lên 82.648 tỷ đồngl Ngân hàng Hợp tác xã tăng 356 tỷ đồng lên 22.972 tỷ đồng. Tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTM Nhà nước vẫn đang dẫn đầu về giá trị tài sản với 3.336.132 tỷ đồng; đứng thứ hai là khối NHTMCP với 2.999.268 tỷ đồng; khối công ty tài chính – cho thuê đứng thứ 3 với 96.409 tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng tài sản, vốn tự có, vốn điều lệ của toàn hệ thống cũng vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 3. Cụ thể, đến cuối tháng 3, vốn tự có của toàn hệ thống đạt 582.817 tỷ đồng, tăng 598 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 4.797 (tương đương tăng 0,83%) so với cuối năm 2015. Đóng góp vào mức tăng này chủ yếu do vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 1.031 tỷ đồng lên 236.871 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng 118 tỷ đồng lên 119.938 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái với các ngân hàng này, vốn tự có của khối ngân hàng thương mại Nhà nước lại giảm 291 tỷ đồng xuống còn 204.539 tỷ đồng; khối công ty tài chính - cho thuê giảm 261 tỷ đồng xuống còn 17.891 tỷ đồng. Chỉ có vốn tự có của ngân hàng hợp tác xã là duy trì ổn định ở 3.578 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, nếu xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối ngân hàng thương mại cổ phần lại lại dẫn đầu về vốn tự có; đứng thứ hai là khối ngân hàng thương mại Nhà nước; xếp thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài. Trong tháng 3/2016, vốn điều lệ của toàn hệ thống tiếp tục tăng 1.334 tỷ đồng lên 462.299 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2015, vốn điều lệ của toàn hệ thống đã tăng 2.020 tỷ đồng (tương đương tăng 0,44%). Trong đó chủ yếu do vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng thêm 1.456 tỷ đồng lên 195.977 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài tăng 134 tỷ đồng lên 94.156 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân tăng 47 tỷ đồng lên 3.197 tỷ đồng. Riêng vốn điều lệ của khối công ty tài chính – cho thuê giảm 287 tỷ đồng xuống 18.176 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong tháng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn duy trì ổn định ở mức 137.097 tỷ đồng; ngân hàng chính sách xã hội là 10.696 tỷ đồng; ngân hàng hợp tác xã là 3.001 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì khối ngân hàng thương mại cổ phần mới là khu vực dẫn đầu về vốn điều lệ với 195.977 tỷ đồng; kế đến là khối ngân hàng thương mại Nhà nước với 137.097 tỷ đồng; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 94.156 tỷ đồng; sau đó mới đến công ty tài chính – cho thuê với 18.176 tỷ đồng.

Thông kê của NHNN cũng cho biết, tính đến cuối tháng 3/2016, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống đạt 12,67%, giảm nhẹ so với mức 12,90% của thời điểm cuối tháng 2, song vẫn cao hơn nhiều tỷ lệ cho phép của NHNN là 9%. Ngoài ra, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống tại thời điểm cuối tháng 3 cũng tăng nhẹ và đứng ở mức 30,86% so với mức 30,77% của tháng 2.