Giải bài toán nợ xấu ngân hàng

TS. Nguyễn Minh Phong

(Taichinh) - Mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng cũng bình thường như sự phát sinh và xử lý nợ xấu trong hoạt động tín dụng ngân hàng thời kinh tế thị trường và hội nhập. Động thái này cho thấy, quyết tâm cao của ngành ngân hàng trong việc tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng; kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoạt động M&A cho phép các ngân hàng chủ động tham gia thêm cơ hội mở rộng quy mô, thị phần, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cải thiện năng lực tài chính, chi phí kinh doanh, sức cạnh tranh và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; đồng thời, hình thành một số tập đoàn tài chính - ngân hàng mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; giảm bớt được áp lực nợ xấu và cải thiện vị thế trên thị trường...

Tuy vậy, nếu chuẩn bị không kỹ và quản lý quá trình M&A không tốt, sẽ có thể tạo bất bình đẳng và thua thiệt quá mức cho bên yếu thế; lan truyền tin đồn thất thiệt, gây tâm lý không an tâm và ngập ngừng cho người gửi tiền; thậm chí, có thể tạo ra làn sóng rút tiền vượt kiểm soát do gia tăng bột phát phản ứng bầy đàn, đổ vỡ lòng tin thị trường, hoặc bị lợi dụng “đục nước béo cò”, đầu cơ, phá hoại với nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Đặc biệt, ở Việt Nam trong thời gian gần đây, trái với nhiều kỳ vọng, sau hơn 2 năm hoạt động, VAMC mới thu hồi, phát mại được khoảng 8.670 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5% tổng số nợ xấu mà VAMC mua được từ các ngân hàng.

Vì vậy, hoạt động M&A ngân hàng dường như đang trở thành một công cụ xử lý nợ xấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khá đắc lực và hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương thực hiện 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trong năm nay nhằm thu hẹp hệ thống.

Trước mắt, có thể thấy một số kết quả mang lại từ việc sáp nhập như giúp tăng vốn điều lệ, mở rộng thị trường và quan hệ khách hàng được phát triển ngày càng rộng hơn…

Để các hoạt động M&A mang tính chủ động và tích cực, giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, thâu tóm thị trường và những hệ lụy mặt trái có thể, cần chú ý triển khai những giải pháp đồng bộ, khuyến khích phát triển các dịch vụ thông tin, môi giới và tư vấn hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp cho hoạt động M&A và giải quyết hậu M&A.

Bản thân các ngân hàng trong nước cần tăng hiểu biết cơ bản về M&A; chủ động sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn, môi giới trong xác định tín nhiệm và định giá; thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý, thông tin về thị trường và đối tác, tránh tình trạng bị ép giá, bị lừa đảo và bị “hớ" do thiếu kỹ năng, hiểu biết và thông tin...

Áp lực “làm sạch và tự làm sạch” nợ xấu của các NHTM trong nước đã, đang và sẽ được thúc đẩy nhờ NHNN kiên quyết triển khai ngày càng đồng bộ và quyết liệt hơn các giải pháp hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém theo từng đợt và “chùm” NHTM vừa qua.

Theo NHNN, hiện 5 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ. 5 ngân hàng khác có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn, trong khi có 8 ngân hàng cổ phần mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20%, dẫn đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua M&A, hệ thống quản trị và mức độ an toàn của các TCTD đã được cải thiện đáng kể, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém và nợ xấu.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy cần nhiều hơn những đột phá chính sách về xử lý nợ xấu ngân hàng, như: cho VAMC có quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền cưỡng chế như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố và quyền đấu giá tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu NHTM mà VAMC đã mua; điều chỉnh quy định buộc các NHTM sau khi bán nợ cho VAMC vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo và gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát, cũng như các quy định liên quan khi xử lý nợ của Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính (DATC) và các Công ty mua bán nợ của các NHTM để vừa phát triển mạnh thị trường mua - bán nợ xấu, vừa không bán rẻ tài sản đảm bảo, gây thất thoát tài sản doanh nghiệp và tài sản của đất nước vào tay nhà đầu tư - đầu cơ nước ngoài…