“Giải cứu” hàng tồn, kích thích tăng trưởng: Doanh nghiệp “vượt cạn”

Theo Sài Gòn Giải phóng

Dù trải qua thời điểm hết sức khó khăn do cầu giảm mạnh, nhưng bằng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), cùng việc điều chỉnh chính sách vĩ mô kịp thời, đã giúp nguồn hàng hóa tồn kho về ngưỡng an toàn.

 “Giải cứu” hàng tồn, kích thích tăng trưởng: Doanh nghiệp “vượt cạn”
DN sản xuất xi măng tăng cường xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho

Cái khó ló cái khôn
Thời gian qua, ngành thép, xi măng được đánh giá có chỉ số tồn kho ở mức khá cao, vượt trên 50% do những khó khăn bủa vây như chính sách cắt giảm đầu tư công, thị trường bất động sản đóng băng, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu... dẫn đến hàng loạt công trình bị ngưng trệ. Trước tình cảnh này, DN thép, xi măng đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm một lối thoát riêng cho mình.
Tiên phong trong việc đem thép Việt “xuất ngoại”, Công ty cổ phần Thép Pomina đã tung những thủ lĩnh giỏi trong đội ngũ kinh doanh đến hầu hết các đối tác để giới thiệu sản phẩm và chinh phục khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm và giá hợp lý. Nhờ vậy, trong những tháng cuối năm 2012, Pomina đã xuất khẩu với doanh số tăng trên 30% so với năm 2011.
Tương tự, nếu thời điểm trước, các DN sản xuất kinh doanh xi măng chỉ chăm chăm vào thị trường nội địa, thì nay, sau thời gian dài hàng hóa tồn kho chồng chất đã vươn mình tìm hướng xuất khẩu thành công và giải phóng hàng tồn hiệu quả.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cả nước hiện có 8 DN xuất khẩu clanhke và xi măng. Trong đó, có 6 DN trong nước gồm các đầu mối: Vicem, Hạ Long, Thăng Long, Cẩm Phả, The Vissai, Công Thanh và 2 DN xi măng liên doanh với nước ngoài gồm Chinfon và Phúc Sơn.
Kế hoạch 5 triệu tấn clanhke và xi măng xuất khẩu trong năm 2012 đã cán đích, do vậy đã kéo giảm lượng hàng tồn kho đáng kể về mức 2,5 triệu tấn. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành xi măng gồm: Campuchia, Lào, Bangladesh và Indonesia.
Đối với các sản phẩm có lượng hàng tồn kho lớn như: đồ gỗ, thức ăn chăn nuôi, may mặc... cũng đã có những giải pháp hữu hiệu bằng cách tăng năng lực phân phối để quay nhanh đồng vốn, tránh các chi phí tăng cao, giữ chân khách hàng, tăng chất lượng, đẩy mạnh marketing, quảng bá…
Bà Bùi Thị Vui, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Tâm, chuyên về quần áo may sẵn, quận 12 TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Thời gian qua do sức tiêu thụ chậm nên DN luôn phải gia tăng tìm kiếm thị trường mới, tìm cách tham gia các website mua bán hàng hóa để đưa sản phẩm đến với nhiều đối tác mới. Thậm chí phải giảm giá bán, đưa hàng về với thị trường nông thôn, miền núi, hàng mới sản xuất mẫu mã phải phong phú và đẹp hơn, tiết kiệm hơn, giá cả phải chăng… “Cái khó ló cái khôn”, vừa qua nhờ xử lý hàng tồn mà DN thiết lập được bạn hàng mới, nhờ đó công nhân có việc làm, doanh thu công ty tăng lên”.
Hàng tồn ở ngưỡng cho phép
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến thời điểm này tăng ở mức 20,3% so với cùng kỳ. Tuy đây chưa phải là con số “đẹp” so với mức tồn kho ở ngưỡng cho phép dao động 15% - 17%. Song chỉ số tồn kho này thấp hơn so với cùng kỳ và những tháng đầu năm ở mức báo động là trên 35%.
Điều này cho thấy, dù trong tình cảnh hết sức khó khăn, nhưng bằng nỗ lực của cộng đồng DN, bên cạnh chính sách điều hành vĩ mô hiệu quả đã giúp hạ nhiệt lượng hàng hóa tồn kho về ngưỡng an toàn.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, hiện tại lượng sắt thép, xi măng còn tồn kho là do thời gian qua phát triển vượt quy hoạch cộng với nhập khẩu dẫn đến cung vượt cầu... Riêng đối với mức tồn kho hiện nay ở các lĩnh vực khác là bình thường, ở ngưỡng cho phép.
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội, mỗi mặt hàng, DN lại có tỷ lệ tồn kho khác nhau nên không có giải pháp cụ thể cho tất cả các mặt hàng tồn kho. Nhưng giải pháp chung, đối với hàng nguyên liệu DN cần thay đổi cơ cấu hàng nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm và mở rộng mạng lưới bán buôn để tiêu thụ hàng. Với các mặt hàng thành phẩm, tồn kho buộc DN phải điều chỉnh hướng sản xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, phải chuyển đổi mục đích sử dụng của sản phẩm nếu được.
Về vĩ mô, trong bối cảnh tiếp tục kiềm chế lạm phát, nhà nước và các hiệp hội nên hỗ trợ bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại một cách hiệu quả. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kinh tế sẽ vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hàng tồn kho có thể tăng cao trở lại nếu không có giải pháp căn cơ. Nhưng tùy vào từng nhóm hàng cụ thể mà DN và các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp nhất định để xử lý. Các DN nên tìm phương án thích hợp nhất để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, giảm giá bán...
Còn với kinh nghiệm thực tế, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Savimex Bùi Ngọc Quới cho biết, hiện tại, thị trường tiêu dùng một số nước phát triển như: Nhật, Mỹ… có xu hướng tăng trưởng trở lại và sản phẩm của Việt Nam lại rất được tín nhiệm, ưa chuộng. Do vậy, đây là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, khác với trước đây, các sản phẩm của doanh nghiệp hiện nay làm ra nên ở mức trung bình, không quá cao cấp, từ đó đưa ra mức giá hợp lý để thị trường có thể chấp nhận được.