Giải pháp dòng tiền cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV.

(Tài chính) Ngày 27/6/2013 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp dòng tiền cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn và Hiệp Hội DN TP. Hồ Chí Minh tổ chức với sự tài trợ của ngân hàng SeABank.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Các đại biểu tham dự hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn

Hội thảo có sự tham dự của ông Hàng Vay Chi – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng phòng Phân tích tổng hợp Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đặng Bảo Khánh – Tổng Giám Đốc ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), ông Vương Quang Huỳnh – Tổng Giám Đốc Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn và gần 200 chủ DN TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, hội thảo còn có tham gia của hai chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam là TS. Trần Du Lịch - Uỷ viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh và TS. Đinh Thế Hiển – Giám đốc Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng. 

Tại Hội thảo, TS. Trần Du Lịch cho biết bước vào năm 2013, tuy tình hình có cải thiện hơn, nhưng về cơ bản nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức. Mặc dù  CPI  6  tháng đầu năm 2013 chỉ  tăng 2,40%, song tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắt nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, nhất là DNVVN, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều; khó đáp ứng sự mong đợi của DN, do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống NHTM...

Theo TS. Trần Du Lịch, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp. Dự báo mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF kinh tế năm 2013 còn diễn biến thất thường, sẽ có tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta.     

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng..” với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5 % và kiểm soát CPI dưới 8% (Chính phủ đề ra khoảng 6%). Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (tháng 5-6/2013) đã sửa đổi một số điều của Luật Thuế Thu nhập DN và Luật Thuế Giá trị gia tăng nhằm miễn giảm thuế cho một số đối tượng để kích thích thị trường và giảm khó khăn cho DN. Áp dụng thuế suất thu nhập DN 22% từ tháng 1/2014 và 20% từ tháng 01/2016 để khuyền khích DN mở rộng đầu tư, giảm 50% thuế VAT cho nhà giá thấp….

Như vậy, năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đan xen thách thức và cơ hội cả vĩ mô và vi mô. Những khó khăn như sức mua giảm; hàng tồn kho, nợ xấu tăng; lãi suất cao; DN thiếu vốn... sẽ được cải thiện hơn so với  năm 2012.

Điều quan trọng đây là thời kỳ mở ra cơ hội cho những DN năm bắt cơ hội để tái cơ cấu và phát triển bển vững. Thị trường sẽ lành mạnh hơn. Mặc dù 6 tháng đầu 2013, kinh tế tuy tăng trưởng chậm (GDP tăng 4,90%), nhưng dự báo cả năm sẽ tăng khoảng 5,5% và CPI khoảng 6-7% là tiền đề quan trọng để có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014.

Về phía ngân hàng TMCP, ông Đặng Bảo Khánh – Tổng Giám Đốc SeABank cho biết: “Trong những năm qua, SeABank liên tục triển khai các gói tài trợ vốn dành riêng cho đối tượng DN nhỏ và vừa, điển hình là gói tài trợ vốn lưu động ưu đãi 2000 tỷ đồng kéo dài đến hết năm 2013, với lãi suất cho vay thấp chỉ ở mức 9.9%/năm và miễn phí chuyển tiền trong nước theo doanh số giải ngân của khách hàng. Ngoài những hỗ trợ về vốn, SeABank cũng tạo thêm nhiều ưu đãi đặc biệt khác khi mở tài khoản, chuyển tiền… dành riêng cho DN nhỏ và vừa cũng như hộ kinh doanh. SeABank cam kết sẽ hỗ trợ DN tối đa khi tiếp cận nguồn vốn vay với những thủ tục nhanh gọn nhất. Chỉ cần khách hàng có yêu cầu, chúng tôi sẽ cử cán bộ tới tư vấn tận tình và hiệu quả, nhằm mang lợi lợi ích cao nhất cho khách hàng”.

Chia sẻ thêm về hồ sơ thủ tục vay, ông Đặng Bảo Khánh – TGĐ SeABank cho biết thêm: “Ngân hàng và DN nên mạnh dạn tái cơ cấu. Nếu không thể tái cơ cấu được cũng nên chọn giải pháp dứt khoát, xử lý khoản vay càng sớm càng tốt, chọn một giải pháp mới, trở thành DN mới, không nên để vốn vay và tiền tự có mất, phải tạo lịch sử “sạch” cho DN như vậy ngân hàng mới dám cho vay và hồ sợ được xết duyệt nhanh chóng”. 

Tuy nhiên, câu chuyện làm sao DNNVV có thể tiếp cận vốn ngân hàng vẫn rất nóng tại Hội thảo. Trao đổi về vấn đề hỗ trợ vốn của ngân hàng, ông Trương Đình Hòa – Giám đốc Công ty May mặc tại Q4 - TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thật sự việc tiếp cận vốn của DN hiện nay rất khó. Ngân hàng luôn đòi hỏi nhiều thủ tục hồ sơ, thời gian thẩm định kéo dài… trong khi nhu cầu về vốn là cấp thiết. Có ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay là 7.5%/năm nhưng khi thẩm định xong lại cho vay với mức 12%/năm, đưa DN chúng tôi từ khó khăn này đến khó khăn khác, không xuất hàng được thì tiền đâu đóng lãi ngân hàng?”

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển đã có những nhận định về tình hình kinh tế cuối năm 2013 và những cơ hội dành cho DNNVV. Theo đó, tỷ lệ ở nhóm ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ khá tốt trong khi nhóm ngành xây dựng – bất động sản và thuỷ sản lại suy giảm trong các năm gần đây khiến cho các công ty nhóm ngành này gặp nhiều khó khăn khi vốn vay NHTM bị thu hẹp và lãi suất tăng cao.

Bên cạnh đó, theo thống kê của các công ty niêm yết thì tình hình kinh doanh quý I/2013 khởi sắt hơn cùng kỳ năm ngoái, vì vậy để quản trị tốt dòng tiền thì DN cần sử dụng vốn đảm bảo tính bền vững phát triển, không tìm lợi nhuận cao ngắn hạn nhưng làm giảm nguồn lực phát triển của công ty; an toàn về cấu trúc tài chính, vốn chủ sở hữu trên tổng vốn không thấp hơn 50%; phải bảo đảm trạng thái dòng tiền dương trong mọi kỳ kinh doanh; duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn hơn nhu cầu chi thường xuyên 2 tháng; dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh hàng năm phải bằng tối thiểu 20% so với nợ dài hạn tài chính; không đầu tư quá 30% vốn chủ sở hữu của công ty vào dự án mới.