Giải pháp quản lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại

Phan Thị Quỳnh Anh

Xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại là vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn hệ thống ngân hàng từ nhiều năm nay, bởi đây được coi như “cục máu đông” có thể làm tắc nghẽn “mạch máu” của nền kinh tế. Từ năm 2012, vấn đề xử lý nợ xấu đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hệ thống ngân hàng quyết liệt thực hiện, đến nay đã mang lại nhiều kết quả khả quan, tạo nền tảng cho những chuyển biến tích cực trong thời gian tới…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thực trạng quản lý và xử lý nợ xấu

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tính đến tháng 12/2016, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 2,46%. Trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012 đến năm 2015 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng), chủ yếu các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý, chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).

Song, số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý còn ở mức khiêm tốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm được nhiều trong năm 2016. Tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, NHNN đã quyết liệt triển khai các giải pháp. Cụ thể, từ ngày 01/01/2015, các NTHM đã phải thực hiện tham chiếu kết quả phân loại nợ đối với từng khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để phân loại lại nhóm nợ của khách hàng theo nhóm nợ cao nhất nếu khách hàng đó đang vay ở nhiều TCTD.

Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp (từ 9% năm 2011 lên 20,06% tại tháng 12/2016), giảm tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và đặc biệt là nhóm ngành thương mại, điện tử, viễn thông có tỷ trọng giảm mạnh nhất (từ 27% năm 2011 giảm còn 21,3% tại tháng 12/2016), xu hướng chuyển dịch này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN về việc đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các quy chuẩn, quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động, trong đó, áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Từ năm 2014, 10 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB và ACB là các ngân hàng lớn nhất trong hệ thống đã được NHNN giao thí điểm áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.

NHNN đã công bố Dự thảo Thông tư lần thứ 4 quy định về chỉ số CAR đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm mục tiêu đưa việc quản trị rủi ro cũng như an toàn vốn theo Basel II dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2017 đối với các ngân hàng thí điểm và từ ngày 1/1/2019 đối với tất cả ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với 3 trụ cột chính của Basel II là vốn tối thiểu, giám sát và kỷ luật thị trường và công bố thông tin,các ngân hàng hiện đang thực hiện và hoàn thiện một số chuẩn mực của Basel II trong công tác quản trị rủi ro hàng ngày.

Các ngân hàng đều đã thành lập các đơn vị phụ trách triển khai dự án (Ban chỉ đạo, Ban triển khai dự án và một bộ phận chuyên trách lĩnh vực Basel II tại Mảng quản lý rủi ro (QLRR) chịu trách nhiệm chuyên trách điều phối các tiểu dự án liên quan đến Basel II). Có thể thấy, hệ thống NHTM Việt Nam đã xác định quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế là xu thế tất yếu.

Đến nay, các ngân hàng đã xây dựng được mô hình quản lý nợ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Mô hình quản lý nợ xấu tại các ngân hàng gồm bộ phận chuyên trách xử lý nợ xấu từ hội sở đến chi nhánh. Trung tâm xử lý nợ tại các ngân hàng do lãnh đạo cấp cao trực tiếp phụ trách, chỉ đạo sát sao tới từng bộ phận và cán bộ nhân viên. Việc xử lý nợ xấu được kiểm tra định kỳ, đưa việc xử lý nợ xấu trở thành yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình kinh doanh của chi nhánh.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tiễn còn hạn chế là một số ngân hàng vẫn chưa xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu kéo dài, việc đo lường và đánh giá rủi ro danh mục tín dụng, áp dụng chính sách khách hàng chưa linh hoạt… Việc xử lý tài sản bảo đảm bị chậm ảnh hưởng rất lớn tới nợ xấu của ngân hàng như làm tăng chi phí hoạt động trong quá trình thu hồi nợ. Ngoài ra, các tài sản bảo đảm sẽ bị sụt giảm giá trị nghiêm trọng nếu việc phát mại bị kéo dài…

Giải pháp quản lý nợ xấu ở các ngân hàng thương mại Việt Nam

Có thể khẳng định, việc xử lý nợ xấu trong thời gian đã có chiều hướng tích cực từ những giải pháp điều hành, cơ chế chính sách đến kết quả thực hiện. Tuy nhiên, để kết quả xử lý nợ xấu tại các NHTM đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra cần quan tâm đến một số nội dung:

Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSĐB), trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này gây khó khăn đến quyền xử lý TSĐB của VAMC và TCTD, bởi VAMC hay TCTD không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, hay tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSĐB để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. VAMC/TCTD sẽ phải chờ bản án của tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên các cơ quan xét xử.

Vướng mắc khác là ở giai đoạn thi hành án. Theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự, số tiền thu được từ việc bán TSĐB sẽ phải được ưu tiên thu án phí, lệ phí tòa án trước khi chuyển cho TCTD. Việc này làm cho số tiền thu nợ của TCTD bị giảm, không thu hồi đủ. Ngoài ra, với nhiều khoản chi phí và phí phải trả trong quá trình bán TSĐB, trong nhiều trường hợp, nếu chủ nợ khó có thể thu hồi đủ giá trị khoản nợ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên được thi hành án. Chưa kể, khi xử lý, TSĐB theo nội dung bản án và thực tế đôi lúc không thống nhất hoặc không rõ ràng dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự phải yêu cầu tòa án giải thích bản án, quyết định của tòa án gây thêm sự chậm trễ trong việc thi hành án...

Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ đạt hiệu quả cao, cũng cần nghiên cứu  xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu của NHNN, trong đó có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các ngân hàng thương mại trong quá trình xử lý nợ xấu. Cụ thể, nếu người giữ tài sản không giao TSĐB thì cho phép VAMC hoặc TCTD được thực hiện quyền thu giữ TSĐB trong trường hợp VAMC hoặc TCTD và chủ tài sản đã có thỏa thuận về việc thu giữ tài sản trong hợp đồng đảm bảo tài sản, thay vì yêu cầu tòa án giải quyết như đã quy định tại Bộ luật Dân sự 2015; cho phép VAMC (bên mua nợ của TCTD) được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; bãi bỏ quy định yêu cầu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án nhằm giảm chi phí xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, đối với từng ngân hàng, cần nâng cao  năng lực tài chính như: chủ sở hữu, chất lượng tài sản. Các NHTM đặc biệt là những ngân hàng nhỏ hiện nay cần gấp rút thực hiện lộ trình tăng vốn chủ sở hữu. Bên cạnh việc xử lý dứt điểm nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro, phát mại tài sản, các ngân hàng có thể chuyển khoản nợ sang công ty chuyên xử lý nợ xấu. Để nâng cao chất lượng khoản nợ, ngân hàng cần tuân thủ nghiêm túc quy trình cho vay, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát khoản vay đúng quy định.

Các ngân hàng cần cải thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều đã áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, tuy nhiên thời gian qua, việc đánh giá giữa các ngân hàng chưa có sự đồng nhất. Cùng một khách hàng nhưng qua hệ thống của các ngân hàng khác nhau sẽ cho ra “điểm” khác nhau. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống chấm điểm tài chính, phi tài chính thống nhất các bộ tiêu chuẩn, triển khai áp dụng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ cho toàn hệ thống.       

Tài liệu tham khảo:

1. Peter S. Rose (2001), Commercial Bank Management, NXB Tài chính;

2. Phan Thị Thu Hà (2010), Ngân hàng thương mại, NXB Đại học kinh tế quốc dân;

3. Phan Thị Thu Hà (2009), Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Giao thông vận tải.