Gian nan “đón sóng” thực phẩm sạch

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Người tiêu dùng (NTD) mất niềm tin vào sản phẩm sạch. Doanh nghiệp (DN) gặp nhiều rào cản cho hoạt động khởi nghiệp, gia nhập thị trường. Làm sao để lấy lại niềm tin của NTD là câu hỏi lớn được đặt ra. Minh bạch thị trường được cho là giải pháp, là yếu tố cốt tử để DN sản xuất kinh doanh (SX-KD) thực phẩm sạch gặt hái được thành công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có 150.000 ca mắc mới và hơn 75.000 người chết vì ung thư, trung bình 1 ngày có 250 người chết. Chỉ với 6 loại ung thư phổ biến như: vú, gan, đại tràng, khoang miệng, dạ dày, tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam (năm 2012).

Những con số báo động

Tại Diễn đàn: “Đón sóng thực phẩm sạch” diễn ra ngày 23/8, BS. Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, nêu những con số khủng khiếp về hậu quả do tình trạng SX-KD sử dụng thực phẩm bẩn tràn lan gây ra.

Thực phẩm bẩn đang trở thành thảm họa của chúng ta là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh ung thư với tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5 - 10%. Thực phẩm bẩn có thể gây ung thư dạ dày, thực quản, gan, tủy, vòm họng, đại trực tràng…

Có thể nói chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được cả xã hội quan tâm và là chủ đề nóng, nhiều bức xúc như hiện nay. Ai cũng có nhu cầu bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ai cũng có nhu cầu được ăn thực phẩm sạch rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra quá nhiều những vi phạm trong SX - KD thực phẩm khiến NTD mất niềm tin vào thị trường. “Người mua đôi khi chỉ biết phân biệt thực phẩm sạch bẩn, qua giá hoặc qua quan hệ quen biết”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho biết.

Thực tế quản lý sản xuất thực phẩm hiện nay còn nhiều bất cập, lực lượng chức năng dù tích cực kiểm tra giám sát đến mấy vẫn không xuể, tất cả vẫn trông chờ vào sự tự giác của các DN. GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định, mỗi năm, Việt Nam nhập tới 4.100 loại sản phẩm thuốc trừ sâu, khối lượng lên tới 100.000 tấn thuốc thì không gì kiểm soát nổi vấn đề sản xuất rau sạch. “Nhiều nơi khẳng định với tôi sản xuất rau an toàn, nhưng sản xuất rau an toàn mà không có nhà lưới thì tôi không tin”.

Thực trạng nhập nhèm trong sản xuất thực phẩm được ông Lê Tư - công ty Hồng Thanh Việt (Vũng Tàu), phản ánh: Có tình trạng khi công ty ngỏ lời muốn nhập hàng thì nhận được câu trả lời từ phía người cung cấp: “Anh cần chứng nhận VietGap thì tôi lo cho”. Ông Tư cho rằng cần có sự minh bạch từ cơ quan quản lý tới người sản xuất, thì mới không có chuyện “lo chứng nhận VietGap”.

Thị trường thực phẩm thiếu sự minh bạch như vậy, NTD không biết trông cậy vào đâu. Nhiều chuyên gia đã hiến kế cho giải pháp sản xuất sạch. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, muốn sản xuất rau sạch phải bảo đảm không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa học. GS. cũng giới thiệu mô hình sản xuất rau sạch hiệu quả có thể dùng nhà lưới và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, phân bón hữu cơ.

Có ý kiến cho rằng việc trồng ở nhà lưới như GS. Nguyễn Lân Dũng nêu ra chỉ phù hợp với DN lớn, không phù hợp DN nhỏ. Vấn đề cốt yếu là phải đưa ra giải pháp đơn giản mà DN nhỏ và người nông dân có thể làm được, để cuối cùng rau sạch phải rẻ. Lúc đó không cần làm bẩn nữa, vì rau sạch rẻ rồi thì đủ sức cạnh tranh.

Không minh bạch, không thể thành công

Nhu cầu xã hội lớn, nhưng con đường xây dựng nền sản xuất thực phẩm sạch xem ra vô cùng gian nan với nhiều DN. Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ bức xúc: Nền tảng phát triển cơ bản cho ngành hữu cơ là tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, cơ quan chuyên trách cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho DN, nhưng hiện chúng ta chưa xây dựng được vấn đề này.

Bên cạnh đó, vị này phản ánh, khi mới tham gia mở cửa hàng thực phẩm sạch mà có quá nhiều cơ quan đến kiểm tra, chỉ tiếp hết các đoàn thôi đã “thở không nổi”.

Đại diện chuỗi cửa hàng Sói Biển kiến nghị Nhà nước nên xem xét để có hướng hỗ trợ, khuyến khích cho các DN kinh doanh thực phẩm sạch, mới mở hàng, chưa có lợi nhuận mà đã bị thu thuế; nên xem xét từ 6 tháng sau khi một cửa hàng được thành lập cơ quan chức năng hãy đến thu thuế.

Gian nan ngay từ bước đầu khởi nghiệp khiến không ít DN lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà nhiều DN cho rằng sản xuất thực phẩm sạch muốn bền vững, thì phải xây dựng được một thị trường minh bạch. Làm thực phẩm sạch, không minh bạch thì không thể thành công.

Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH, cho rằng yếu tố cốt tử đầu tiên để một DN có thể thành công trong lĩnh vực thực phẩm sạch là minh bạch. Minh bạch là cội nguồn của bất kỳ nhà sản xuất nào. Đây cũng là lý do thôi thúc bà làm sữa năm 2008.

Khi đó, thị trường sữa đang cực kỳ kém minh bạch. Theo bà Thái Hương, ba khâu cần minh bạch là: giống, phân bón và bảo quản. Nếu thị trường thiếu minh bạch và DN cũng thiếu minh bạch trong SX-KD, thì việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều có thể đoán trước.

Nói cách khác, minh bạch thị trường mục đích chính vẫn là xây dựng và củng cố niềm tin của NTD. TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, cho rằng đón sóng thực phẩm sạch là xây dựng niềm tin mới. Phải xây dựng và giữ niềm tin. Không có niềm tin thì không thể phát triển được.