Gian nan dòng chảy tín dụng

ThS. Huỳnh Kim Trí

(Tài chính) Thời gian qua nổi lên vấn đề: Doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong khủng hoảng, khát vốn nhưng khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Các ngân hàng thương mại (NHTM) rất muốn cho vay nhưng khó lòng giải ngân đúng chuẩn mực tín dụng bởi không đủ điều kiện cho vay. Trong khi đó, cả khoản tín dụng cũ của các NHTM cũng tiềm ẩn nguy cơ suy giảm khả năng thu nợ và nợ xấu đang là một thách thức của các NHTM.

Gian nan dòng chảy tín dụng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đã có nhiều lí giải và phân tích từ các nhà quản lý, các chuyên gia tài chính hàng đầu xung quanh nguyên nhân của vấn đề trên, như: Suy giảm kinh tế kéo theo sự bế tắc của thị trường, sự suy giảm mức cầu đầu tư và tiêu dùng xã hội; Tồn kho lớn, bất động sản đóng băng; Những bất ổn của thị trường vốn, lạm phát,…

Không bàn về những khía cạnh vĩ mô, với góc nhìn những người làm tín dụng ở NHTM, người viết chỉ xin góp thêm những nguyên nhân trực tiếp khiến cho dòng chảy tín dụng thật sự gian nan trong thời buổi suy giảm kinh tế.

Thời gian qua, nhiều NHTM đã đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất kèm theo nhiều sản phẩm cho vay, cải tiến thủ tục, quy trình,… với quyết tâm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho người vay. Tuy nhiên để tìm kiếm khách hàng vay đúng chuẩn mực, phương án (PA)/dự án (DA) vay tốt vẫn là điều gian nan. Gian nan hơn là việc giữ vững dư nợ lành mạnh trong thời kỳ suy giảm kinh tế. Những gian nan đó là:

1. Khó kiểm soát được dòng tiền của PA/DA cho vay

Về lý thuyết thì một trong những điều kiện quan trọng, tiên quyết để khách hàng được cấp và duy trì tín dụng là Ngân hàng cho vay (NHCV) phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn trả nợ của PA/DA trong suốt quá trình cho vay, giám sát sử dụng vốn vay, thu nợ hết khoản vay.

PA/DA cho vay được thẩm định kỹ về phương diện tài chính để xác định: mức vay, thời hạn vay, nguồn trả nợ, phương thức cho vay. Căn cứ thẩm định thường dựa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính và kế hoạch luân chuyển vốn của khách hàng. Nhưng thực tiễn luân chuyển vốn, dòng tiền của PA/DA thường không đúng như dòng tiền đã thẩm định ban đầu, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy giảm.

Những nguyên nhân trực tiếp làm kế hoạch dòng tiền bị phá vỡ là do suy giảm thị trường bán ra, công nợ tồn đọng vượt quá giới hạn kiểm soát, giá đầu vào tăng làm chi phí và giá thành sản xuất, giá vốn hàng bán tăng cao, lỗ kinh doanh… Dòng tiền của khách hàng theo chiều hướng xấu đi khiến nguồn trả nợ trở nên khó khăn, gây rủi ro cho vốn tín dụng, nhu cầu cơ cấu lại thời hạn nợ là khó tráng khỏi để giúp khách hàng vượt khó. Đó là rủi ro khách quan, chưa nói đến nhiều rủi ro chủ quan từ phía khách hàng vay như: đến cuối kỳ luân chuyển, thu tiền vào thì khách hàng lại sử dụng vốn quay vòng tiếp, khách hàng sử dụng vốn ngắn hạn tài trợ cho đối tượng dài hạn và ngược lại...

2. Báo cáo tài chính DN còn thiếu minh bạch

Luật Tổ chức tín dụng và qui định của NHNN về thẩm định cấp tín dụng đã nêu rõ tài liệu làm căn cứ thẩm định tín dụng DN, tổ chức là báo cáo tài chính hợp pháp. Điều này có nghĩa báo cáo tài chính phải được kiểm toán, hoặc xác thực của cơ quan thuế, hoặc chí ít là được đại hội cổ đông xác thực nhằm đảm bảo tính trung thực, minh bạch của báo cáo.

Tuy nhiên thực tế hiện nay ở nhiều DN nhỏ và vừa, DN dân doanh,… điều kiện báo cáo tài chính hợp pháp vẫn khó hiện thực. Điều này đặt NHCV vào tình thế khó khăn, nếu cứ khăng khăng đòi hỏi báo cáo tài chính có xác thực pháp lý thì NHCV khó phát triển tín dụng. Do vậy việc chấp nhận thẩm định các báo cáo tài chính như trên chính là nỗi lo của những NHCV biết coi trọng các chuẩn mực tín dụng.

Thẩm định phương diện tài chính là một điều kiện quan trọng cho việc quyết định tín dụng bảo đảm tính an toàn. Vì thế, hệ lụy của việc thẩm định các báo cáo tài chính không trung thực, thiếu minh bạch sẽ dẫn đến thông tin đầu vào làm căn cứ thẩm định sai lệch. Ngoài rủi ro pháp lý thì rủi ro tài chính DN rình rập ở nhiều mặt mà những biểu hiện phổ biến trên báo cáo tài chính là:

- Dấu các khoản nợ phải trả hoặc phân tán nợ vay, vốn huy động khác bên ngoài vào các cá nhân, tổ chức thuộc nhóm khách hàng liên quan, để ngoài sổ sách kế toán, trong khi thông tin CIC cũng khó lòng đối soát phát hiện hết;

- “Xào nấu” số dư các khoản mục tài sản nợ, có trên cân đối kế toán theo hướng làm “đẹp” các dòng lưu chuyển tiền tệ, hệ số đòn bẩy tài chính, khả năng thanh toán;

- Tăng, giảm doanh thu mua, bán hàng, hạch toán không đầy đủ hoặc quá mức các khoản chi phí,… làm sai lệch kết quả kinh doanh theo hướng “nâng cấp” khả năng tăng trưởng, tỷ suất sinh lời và hiệu quả kinh doanh của DN.

3. Những rủi ro môi trường kinh doanh dễ bộc phát tác động đến hoạt động của DN, làm suy giảm khả năng trả nợ vốn tín dụng

Có ý kiến cho rằng: NHCV nhìn thấy đâu cũng rủi ro cả, giống như bác sĩ nhìn thấy đâu cũng có vi trùng. Thực tế phát sinh nợ xấu từ năm 2011 đến nay đã cho thấy điều này là một thực tế chứ không phải là suy đoán. Thật không khó nhận dạng tác động của suy giảm nền kinh tế chung làm dòng chảy tín dụng NHTM khó được khơi thông bởi một số nguyên nhân như:

- Hệ lụy tài chính từ một số DN, dự án đầu tư lớn không hiệu quả, dẫn tới dòng tiền không thu hồi được như dự kiến, vòng đời sản phẩm/dự án nhanh chóng kết thúc, khủng hoảng dòng tiền thu hồi về, bên vay không thực hiện được lịch trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng;

- Tình trạng chiếm dụng vốn dây chuyền, công nợ phát sinh lớn đi kèm với việc suy giảm khả năng thanh toán nợ từ trong tổ chức, DN, gây nhiều vụ vỡ nợ bên ngoài.

- Khi giá cả, vàng và lãi suất tiền tệ biến động, chi phí đầu vào gia tăng khiến nhiều DN kinh doanh thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động phải tái cơ cấu tác động trực tiếp làm phát sinh nợ xấu hoặc suy giảm khả năng trả nợ vốn tín dụng.

Với góc nhìn của người làm công tác tín dụng ở NHTM, chúng tôi cho rằng trên đây là một số nguyên nhân trực tiếp khiến các NHTM khó tìm được khoản tín dụng đúng chuẩn mực, an toàn như lúc bình thường. Dự báo lãi suất ngân hàng hiện có xu hướng giảm là tín hiệu lạc quan để tăng trưởng dư nợ. Tuy nhiên xét về nghiệp vụ thì dòng chảy tín dụng có thực sự được hấp thụ thông suốt hay không tùy thuộc rất lớn vào nội lực của cả nền kinh tế đang nỗ lực vượt qua thời kỳ suy giảm.