Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt “sóng” TPP

Theo nhandan.com.vn

Bước quan trọng tiếp theo sau hoàn tất đàm phán là TPP phải được thông qua ở Quốc hội các nước. Vì vậy, việc cần làm ngay là sửa đổi những quy định pháp luật không còn phù hợp, sau đó đưa ra những giải pháp và lộ trình thực hiện. Đây là những vấn đề chúng ta cần chuẩn bị và làm ngay để có thể vững bước vượt qua những thách thức, đồng thời đủ lực nắm bắt và tận dụng tốt những cơ hội do TPP mang lại. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), TS Cao Sỹ Kiêm đã nhận định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân.

DNNVV hiện chủ yếu chỉ tiếp cận được với vốn vay ngắn hạn. Nguồn: internet
DNNVV hiện chủ yếu chỉ tiếp cận được với vốn vay ngắn hạn. Nguồn: internet

Thách thức lớn nhất khi Việt Nam tham gia TPP chính là DN trong nước sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ DN nước ngoài. Trong đó, DNNVV được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia sân chơi này. Ông nhìn nhận thách thức này như thế nào?

DNNVV nước ta thường có quy mô rất nhỏ, nhất là qua tác động từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới vừa qua đã càng làm “teo” quy mô của DNNVV.

Chất lượng và quy mô vốn của các DN này cũng bị hạn chế, thiếu nguồn vốn trong khi việc huy động vốn từ thị trường lại kém hiệu quả do không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn vay vốn từ ngân hàng.

DNNVV hiện chủ yếu chỉ tiếp cận được với vốn vay ngắn hạn. Không chỉ vậy, các DN này lại thiếu nguồn lao động có trình độ, thiếu chuyên gia, thợ bậc cao và người lao động có kỹ thuật, nhất là ở khu vực nông thôn.

Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện chỉ chiếm khoảng 40% tổng số lao động tại DN, phần lớn lao động này thường đào tạo ngắn ngày theo dạng “bắt tay chỉ việc”. Ngoài ra, trình độ hiểu biết cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường thế giới, với luật lệ và văn hóa kinh doanh quốc tế của DN cũng rất hạn chế.

Soi vào tất cả các lĩnh vực của DNNVV có thể thấy, số lượng DN ở nông thôn, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lại chiếm đa số.

Tuy nhiên, đây lại là địa bàn sẽ chịu nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro nhiều nhất khi Việt Nam tham gia TPP. Với năng suất thấp, trình độ kỹ thuật kém như hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta rõ ràng khó có thể phấn đấu ngang ngửa với các nước tham gia TPP khác.

Bên cạnh những thách thức của riêng DNNVV, chúng ta còn phải đối mặt với những khó khăn nào nữa thưa ông?

Nhìn một cách tổng hợp và khái quát, khi tham gia TPP, Việt Nam có hai điểm “huyệt” rất quan trọng. Thứ nhất là vấn đề con người. Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn rất nhiều người lao động, kể cả cán bộ lãnh đạo có tư duy đổi mới không trọn vẹn; nắm bắt những nhận thức về kinh tế thị trường, cạnh tranh thị trường không sâu, dẫn đến thực hiện đổi mới ở nhiều nơi thiếu kiên quyết, triệt để và đồng bộ.

Vấn đề thứ hai là thể chế, hay nói cách khác là môi trường pháp lý của nước ta tuy đã có được những bước tiến dài sau khi sửa đổi, bổ sung một số luật, nhưng rõ ràng quá trình triển khai luật vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Kể cả việc đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như cơ cấu lại nền kinh tế cũng chậm so với nghị quyết và văn bản hướng dẫn, quá trình triển khai vào thực tiễn lại chưa được mạnh mẽ, đồng bộ.

Bên cạnh đó, bộ máy Nhà nước vẫn còn tương đối cồng kềnh, hiệu quả kém dẫn đến khả năng phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của DN chưa đáp ứng yêu cầu.

Rõ ràng, những yếu kém về con người và thể chế chính là hai “hòn đá tảng” cản trở sự phát triển, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian qua, đồng thời cũng là những cản trở lớn nhất khi chúng ta tham gia TPP.

Vậy theo ông, trước những rào cản này, chúng ta cần phải làm gì để có thể vững vàng vượt qua, đồng thời nắm bắt tốt những cơ hội do TPP mang lại?

Trước hết, về phía DN, nhất là DNNVV phải có nhận thức đầy đủ về những nội dung đã được cam kết trong TPP cùng với những diễn biến mới của kinh tế thế giới khi TPP có hiệu lực, qua đó hoạch định chương trình, chiến lược, mục tiêu phát triển để có thể sớm thích nghi và đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.

DNNVV cần tự đánh giá lại mình để tìm ra những ưu, khuyết điểm đã bộc lộ trong thời gian vừa qua; soi với các điều kiện, tiêu chuẩn của TPP để tìm ra điểm chưa đáp ứng đủ; qua đó, xác định rõ những vấn đề cần phát triển hoặc thu hẹp, nghiên cứu rõ các cơ chế, chính sách, điều kiện để tìm ra những điểm lợi và không lợi đối với DN để khai thác triệt để những lợi thế và khắc phục những yếu kém.

Riêng trong quy hoạch chung về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực hay trong việc tiếp thu công nghệ khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước khác, DN cần chú ý phân loại rõ để quá trình tiếp thu có thể diễn ra một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, diễn biến của từng DN, từng mặt hàng cụ thể; qua đó, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả nhất…

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tiến hành ngay công tác giáo dục, tuyên truyền rộng rãi những nội dung, lộ trình cam kết cũng như các bước thực hiện TPP; hỗ trợ DN nâng cao nhận thức về những đòi hỏi và điều kiện khắt khe của TPP; giúp DN chủ động tiếp cận, tiếp thu và triển khai tốt những nội dung đã cam kết. Nhà nước cần hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, về đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, trong đó làm rõ lĩnh vực nào, trình độ nào cần tập trung.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy sự liên kết giữa các vùng miền, các sản phẩm, tạo điều kiện cho DN phát triển tốt thị trường, kể cả trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống hỗ trợ DN về pháp lý, tập trung những vấn đề được quy định trong TPP để có thể bảo vệ quyền lợi cho DN, tránh được những rủi ro khi xảy ra kiện cáo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!