Gỡ khó cho doanh nghiệp: Bao giờ mới có hiệu quả?

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã liên tục được các cơ quan, ban ngành thực hiện trong nhiều năm qua, từ khi nền kinh tế chưa chìm sâu vào khó khăn. Nhưng dường như các biện pháp chưa đem lại hiệu quả đáng kể.

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Bao giờ mới có hiệu quả?
Việc gỡ khó cho các DN còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn: internet

Phải nhờ đến “cò”

Giải thích cho việc phải “chạy cò”, bà giám đốc DN cho rằng mình đã gặp rất nhiều khó khăn nên đành nhờ đến “cò”. Có lẽ tìm bằng chứng cho việc “chạy cò” không phải là quá khó, nhưng nếu có tìm ra và xử lý ra sao lại cả là một vấn đề.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bao nhiêu nỗ lực đối thoại, tháo gỡ, lắng nghe và chia sẻ đã được “dốc ra” mà tình hình vẫn không được cải thiện? Và sẽ còn cần bao nhiêu cuộc tháo gỡ nữa để DN được giải phóng khỏi những khoản chi “không tên” và những mối lo “không tuổi” để tập trung trí tuệ, sức lực vào tính toán cho việc kinh doanh và đối phó với sự cạnh tranh của thị trường?

Tại Hội nghị cấp TP. Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn tổ chức gần đây, bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP may Hồ Gươm đã làm cả hội trường “lặng đi” khi công khai chuyện DN của bà đã phải mua giấy phép vào phố qua “cò” với giá 3 triệu đồng/giấy. Sau nhiều “than thở” về việc DN phải “đương đầu” với hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày: 

Nơi thì xin ủng hộ, nơi đề nghị đóng góp, mời tài trợ… mà hầu hết các cuộc điện thoại này đều đến từ những địa chỉ “khó từ chối”, bà Ty, cực chẳng đã, cũng phải nêu lên một trường hợp rất cụ thể về DN của mình đã phải “chi” 3 triệu đồng để xin được một cái giấy phép mà quy định chính thức cho lệ phí này chỉ có… 50.000 đồng.

Ông Đỗ Kim Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quảng cáo Việt Nam phản ánh vướng mắc việc nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty hoạt động trong ngành quảng cáo, truyền thông.

Đích thân tôi trực tiếp làm thủ tục để thành lập liên doanh hoạt động lĩnh vực này cho thấy rất kỳ công. Để có giấy phép phải mất từ 6 - 18 tháng, đi lại gõ cửa nhiều cơ quan. Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh phải đợi trả lời của 4 bộ, gồm: Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông. Chờ mãi nhưng không thấy các bộ này trả lời, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà đầu tư bay ra Hà Nội gặp các bộ chỉ để... hỏi.

Một chủ DN khác chia sẻ, DN kinh doanh đúng luật, không phải mặt hàng cấm. Chỉ vì đặc thù là hoạt động về đêm mà liên tục bị phạt và bắt đóng cửa sớm. Bao nhiêu chi phí cho sự phạt không biên lai này biết tính vào đâu? Còn bao nhiêu sự “cực chẳng đã” như thế này mà DN phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để được yên ổn kinh doanh?

Bộ máy “khô dầu”?

Tại sao đất nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường đã gần 30 năm mà các DN, những người tạo ra của cải vật chất, cung cấp dịch vụ cho xã hội, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước lại vẫn phải gánh chịu nhiều khổ ải đến như thế? Để cho cả bộ máy chính quyền lại phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn và tháo đến lúc nào mới xong khi cái gốc của vấn đề lại nằm trong tư duy phục vụ của bộ máy công quyền. Khi lối suy nghĩ “DN ấy mà” vẫn còn hằn sâu trong tư duy của từng công chức nhà nước và tìm cách “hành” DN mỗi khi DN “được” bộ máy chính quyền phục vụ.

Phát biểu của nữ doanh nhân khiến người ta liên tưởng đến hai phát ngôn làm “nóng” dư luận gần đây. Thứ nhất, là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực về việc “chạy” công chức 100 triệu đồng. Thứ hai, là tuyên bố thẳng thắn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về lời phàn nàn của DN “bôi mà vẫn không trơn”.

Bi ai đến mức, có một vị đại biểu Quốc hội đã phải than rằng: “Giờ đây tham nhũng đã trở thành thói quen xấu của không ít công chức chính quyền”. Một doanh nhân trong lúc bi quan quá đã phải thốt lên rằng: Có lẽ cả bộ máy đang bị “khô dầu”. Và quả đúng như thế thì biết bao nhiêu dầu mới đủ bôi trơn cho cả bộ máy? Mong rằng tình trạng “khô dầu” không phải là phổ biến và trong đợt tháo gỡ khó khăn lần này, các cơ quan chức năng sẽ “truy tìm” tận gốc căn nguyên của bệnh “khô dầu” ở từng bộ phận.

TS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), đơn vị vừa có nghiên cứu về chất lượng dịch vụ công, cho rằng điều này có nguy cơ dẫn đến hệ thống bị tha hóa, hay bộ máy chính quyền “khô dầu”. Nhìn một khía cạnh nào đó, nội hàm những phát ngôn của hai lãnh đạo TP. Hà Nội tuy ở hai hoàn cảnh và các thời điểm khác nhau nhưng dường như quan hệ mật thiết với nhau: “Chạy công chức” và “bôi trơn”.