Gỡ khó cho doanh nghiệp ngành thực phẩm

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực, thực phẩm. Theo nhiều doanh nghiệp tham dự, đây là buổi đối thoại thành công nhất từ trước đến nay, bởi ngay sau buổi đối thoại, khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Chí Nguyện - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, dù là sân nhà, song các DN thực phẩm trong nước chỉ chiếm khoảng 50%, nhiều nhất là 60% thị phần cả nước. Lý do là, DN nội quá yếu, cả về tài chính, kinh nghiệm, nhân lực…, chứ không phải do đối thủ quá mạnh. Vì vậy, để DN nội có lợi thế, rất mong các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ông Nguyện chia sẻ, khi biết tin có buổi đối thoại, một DN trong Hội đã gửi cho ông một bản báo cáo, trong đó nêu rõ DN này đang nợ đọng thuế. Điều đáng nói là, DN này ký được đơn hàng với những siêu thị, hệ thống bán lẻ, song do liên tiếp hai đơn hàng không thực hiện và không có hóa đơn khi xuất hàng, nên hợp đồng xem như bị hủy. Hiện DN này đang đứng giữa hai con đường. Một là, bị mất đơn hàng, phá sản, giải thể. Hai là, làm liều tự khui hóa đơn đã bị niêm phong ra sử dụng. Cuối cùng, họ chọn cách thứ hai và ông Nguyện đã đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TP HCM tìm cách tháo gỡ cho DN này.

Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, bà Trần Thị Lệ Nga cho biết, theo Luật Quản lý thuế, DN trên không đủ tiền nộp thuế, sẽ bị áp dụng biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn. “Theo tôi, nếu khi áp dụng biện pháp này mà DN đang có đơn hàng, có doanh thu, DN không nên tự khui niêm phong hóa đơn ra để sử dụng. DN nên đến cơ quan thuế trình bày khó khăn và nêu rõ là DN đang có đơn hàng, có doanh thu, qua đó, có tiền nộp thuế, thì cơ quan thuế sẽ tháo gỡ việc niêm phong hóa đơn (tháo gỡ hợp pháp) để DN có hóa đơn sử dụng”, bà Trần Thị Lệ Nga khuyến cáo và cho biết, với những trường hợp tương tự như trên, DN nên liên hệ ngay với cơ quan thuế, để được tháo gỡ trên tinh thần tuân thủ pháp luật.

Trong khi đó, đại diện Cty cổ phần Chế biến thủy sản Liên Thành cho biết, theo quy định thang bảng lương của nhà nước, Liên Thành được xếp DN nhóm 1, nên không những không được giảm thuế, mà phải nộp thuế đúng hạn. DN không có tiền đóng thuế, ngân hàng không cho vay vốn, trong khi DN phải “tiền trao, cháo múc” cho người bán cá, mới có nguyên liệu chế biến nước mắm. Do đó, DN đề nghị Cục Thuế TP HCM xem xét được chậm nộp thuế. Về vấn đề này, bà Nga cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có một số biện pháp hỗ trợ DN, nhưng đối tượng hỗ trợ chỉ là DN nhỏ và vừa và DN sử dụng nhiều lao động trong một số ngành. Vì vậy, DN dạng đặc biệt, hay DN nhóm 1, dù sử dụng nhiều lao động, vẫn không nằm trong diện được gia hạn thuế.

“Cục Thuế TP HCM đang kiến nghị UBND thành phố, để làm sao trong những lần hỗ trợ tới, Chính phủ và các bộ có chủ trương hỗ trợ cho DN nhóm 1 và cả những DN không thuộc đối tượng nhỏ và vừa” - bà Nga cho biết thêm.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyện khẩn thiết cho biết, các DN lương thực – thực phẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thậm chí phải nợ thuế mới có vốn duy trì sản xuất. Do vậy, các DN rất cần sự chia sẻ và đồng hành của cơ quan thuế để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Trước lời “kêu gọi” của DN, bà Trần Thị Lệ Nga - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với các khó khăn của DN. Theo Bà Nga, Cục Thuế TP HCM sẽ luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trên cơ sở pháp luật và thẩm quyền của Cục Thuế. Đối với những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế của DN vượt quá thẩm quyền, Cục Thuế sẽ lắng nghe, ghi nhận đồng thời báo cáo với các cấp thẩm quyền xử lí nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh.