Hà Nội: Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Theo kinhtedothi.vn

Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) và các thành phần kinh tế là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong đường lối mới của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tiễn phát triển lớn mạnh của khu vực KTTN ở Hà Nội những năm đổi mới đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô và hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát triển mạnh KTTN tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, Hà Nội sẽ phải tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính

Theo mục tiêu đặt ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội phấn đấu thành lập mới 200.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân, riêng năm 2017 phấn đấu tăng thêm khoảng 40.000 DN, trong đó có khoảng 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo; nghiên cứu mô hình khu tập trung dịch vụ hỗ trợ và phát triển DN, vườn ươm DN công nghệ thông tin, vườn ươm DN đổi mới, sáng tạo; hình thành khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.

Các chuyên gia đều cho rằng, để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các DN cũng cần phải tự xây dựng văn hóa DN và đạo đức doanh nhân; Nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nhân lực trong DN tư nhân.
Góp phần đạt được một số chỉ tiêu như khu vực DN tạo thêm khoảng 150.000 việc làm mới; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 6,5%/năm; đóng góp khoảng 40% GDP của thành phố; đáp ứng cơ bản về mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho DN.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Hà Nội cần hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và cơ chế tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho DN phát triển; thiết lập cơ chế bình đẳng giữa các loại hình DN trên địa bàn thành phố trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên... Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước theo lộ trình. Thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ DN hoạt động có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn.
Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DN; khuyến khích hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa các DN; khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; khuyến khích DN tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó, triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu lao động từ thô sơ sang lao động có tay nghề trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của DN trong giai đoạn mới;...
Điều kiện trong tình hình mới
Chính sách về phát triển KTTN có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế. Các điều kiện để phát triển đã hội tụ trong những chính sách mới như Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Vậy nên, vấn đề đặt ra là cần quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng về phát triển KTTN, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để tạo ra những đột phá mới thuận lợi cho phát triển của KTTN trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ.
Thứ nhất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân và DN của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần đưa thành phố vào nhóm đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá, tăng chỉ số xếp hạng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho KTTN trên địa bàn TP phát triển; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện các chính sách của thành phố về ưu đãi, khuyến khích để hỗ trợ DN phát triển, nhất là đối với những DN kinh doanh sản phẩm mới, có độ rủi ro cao, những sản phẩm sạch, mang lại giá trị gia tăng cao, sản phẩm thuộc công nghiệp phụ trợ.
Thứ hai, Nhà nước thực hiện tốt các dịch vụ công đối với DN, phục vụ và hỗ trợ DN, hướng tới xử lý các vấn đề của nền kinh tế bằng nguyên tắc thị trường, từng bước loại bỏ sự can thiệp bằng các công cụ hành chính quan liêu, tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng xã hội của DNNN; quyết liệt chống độc quyền, chống tham nhũng.
Thứ ba, có cơ chế, chính sách sát thực nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và khuyến khích mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết giữa KTTN với DN Nhà nước, hợp tác xã và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ tư, triển khai quán triệt Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 5 (Khóa XII) của Đảng về các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phát triển KTTN, đồng thời tăng cường kiểm tra thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị gặp gỡ giữa Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên của Chính phủ với cộng đồng DN ngày 17/5/2017 vừa qua.
Thứ năm, triển khai thực hiện đầy đủ Chỉ thị 20/2017/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, các cơ quan chức năng như công an, thuế, thanh tra, theo đó, DN chỉ bị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán một lần trong năm, được tiến hành đồng thời bởi các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, xây dựng, công an, kiểm toán, thanh tra, thay vì có những DN bị thanh tra 3 lần/năm, thậm chí có năm thanh tra 11 - 12 lần, gây bức xúc cho DN, tăng gánh nặng về chi phí và tốn kém thời gian, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.