Hành trình tìm "quyền năng" của VAMC

Minh Huệ - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh hành lang pháp lý vẫn đang ở giai đoạn hình thành, trong khi thực tiễn thị trường đòi hỏi cần phải xử lý nợ xấu nhanh, Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) đang phải chịu áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, những khó khăn đó không phải rào cản lớn và VAMC đang tìm cho mình một lối đi phù hợp.

Hành trình tìm "quyền năng" của VAMC - Ảnh 1
Ông Nguyễn Quốc Hùng
VAMC đang trong quá trình tìm "quyền năng" cho mình trong việc xử lý nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, đã chia sẻ vấn đề này cùng Thời báo Kinh Doanh.

Phóng viên: VAMC sẽ giải quyết vướng mắc này thế nào để có thể bán được nợ xấu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, thưa ông?

VAMC đang có chủ trương sẽ tiến hành làm thí điểm bằng cách chọn dự án hiệu quả nhất, có khả thi nhất và chọn NĐT nước ngoài quan tâm nhất. Theo đó, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả thủ tục pháp lý và cùng với NĐT nước ngoài hoàn thiện những vướng mắc, kiến nghị các cấp các ngành xử lý được những vướng mắc đó. Khi các thủ tục pháp lý được thông qua, bán được khoản nợ xấu đầu tiên cho NĐT nước ngoài theo kiểu "đầu xuôi, đuôi lọt" thì sẽ triển khai bán các khoản nợ tiếp theo.

Những dự án nào đang được VAMC lựa chọn làm thí điểm? Liệu đến cuối năm, VAMC có thể bán được khoản nợ xấu đầu tiên cho NĐT nước ngoài?

Trên cơ sở những khoản nợ mà VAMC đã mua, chúng tôi đã đánh giá, sàng lọc ra những khoản nợ đạt yêu cầu, kỳ vọng lớn của NĐT nước ngoài và đã tập hợp được một số dự án ở Hải Phòng, Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng để giới thiệu đến NĐT nước ngoài. Đến nay, đã có 10 NĐT nước ngoài đã đến nghiên cứu, xem xét, trao đổi, thậm chí họ còn xuống tận dự án để xem.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các NĐT nước ngoài trả giá chỉ bằng 1/3 giá trị dự án. Mức giá này quá thấp nên VAMC không muốn bán. Còn việc bán nợ cho NĐT nước ngoài trong năm nay là vấn đề chúng tôi đặt ra để triển khai. Tuy nhiên, có những điều kiện VAMC không tự quyết định được.

Mới đây, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT và NHNN ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT/BTP-BTNMT-NHNN về hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm. Thông tư này có tác động tới hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC?

Thông tư này sẽ có tác động tích cực tới việc xử lý nợ xấu của VAMC trong thời gian tới. Dù đến 22/7 mới có hiệu lực, nhưng chúng tôi đã quán triệt nội dung của Thông tư tới cán bộ xử lý nợ xấu của VAMC.

Việc ban hành Thông tư này, ít nhất cũng đã tạo được một hành lang rất rõ trong việc xử lý nợ xấu, có lộ trình rõ ràng, cách làm, các bước xử lý. Bên cạnh đó, khâu xử lý tài sản cũng có các bước cụ thể. Trước đây, chúng tôi cứ làm theo các văn bản quy định pháp luật chung, nhưng nay có một văn bản riêng cho VAMC, nó như là một công cụ cho VAMC trong việc tổ chức thực hiện xử lý nợ xấu, bán tài sản, thu giữ tài sản.

Tuy vậy, tôi hơn băn khoăn vì Thông tư này không có ý kiến của Bộ Công an. Tôi nghĩ, Thông tư này sẽ triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn nếu có ý kiến của cơ quan này. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ ban hành Thông tư về đấu giá tài sản, đây sẽ là một bộ khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho VAMC trong việc xử lý tài sản, thu giữ tài sản, bán tài sản, đấu giá.

Vậy còn những vướng mắc gì đối với việc NĐT nước ngoài muốn mua nợ xấu thông qua VAMC?

Nếu bán cho NĐT nước ngoài thì Thông tư liên tịch 16 cũng như Thông tư hướng dẫn về đấu giá sắp ban hành cũng không làm rõ được vấn đề khi bán cho NĐT nước ngoài. Muốn bán cho NĐT nước ngoài thì phải có quy định cụ thể, liên quan đến vấn đề pháp lý như quyền sở hữu của họ, khi họ tham gia mua nợ và vấn đề tiếp theo là họ xử lý khoản nợ này ra sao, với hình thức là công ty gì (công ty góp vốn hay công ty 100% vốn nước ngoài hay liên doanh). Nếu là công ty vốn nước ngoài thì việc sở hữu của họ thế nào. Đó là những vấn đề thủ tục pháp luật để họ tiếp tục triển khai dự án. Vì mục đích bán nợ xấu là để triển khai dự án, có thế mới phát huy hiệu quả chứ không phải mua rồi để đấy.

Theo ông, những tác động tích cực nào đã mang lại đối với TCTD và DN khi họ bán nợ xấu cho VAMC?

Từ khi thành lập tới nay, VAMC đã mua được hơn 52.800 tỷ đồng từ 35 TCTD. Như vậy, có thể nói, bước đầu VAMC đã bước đầu thực hiện xử lý nợ xấu cho các TCTD, đưa 52.800 tỷ đồng nợ xấu ra ngoài bảng.

Điều đáng nói, khi VAMC mua khoản nợ xấu này từ các TCTD, nó có tác động trở lại đối với DN. Nếu DN sản xuất kinh doanh có vướng mắc, khó khăn nhất thời thì sẽ được tạo điều kiện để được vay vốn. Đã có DN được vay 800 - 900 tỷ để hoàn thiện chung cư đang xây dựng dở dang để bán.

Các TCTD xem xét, đánh giá khả năng của DN để tái cấu trúc, cơ cấu lại nợ, cho DN vay với lãi suất thấp, thậm chí miễn lãi. Làm sao để DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo sức cầu cho xã hội, tạo cho DN khả năng trả nợ cũ và nợ mới. Thực tế, có DN đã từng bước trả được nợ cho ngân hàng.

Sắp tới VAMC có mua nợ xấu theo giá thị trường không?

VAMC đang xây dựng phương án mua nợ xấu bằng giá thị trường, chứ không phải chỉ bằng trái phiếu đặc biệt. Có nghĩa, phải đa dạng hóa hoạt động của VAMC. Mà mua theo giá thị trường cũng là động lực thúc đẩy tảng băng nợ xấu tan dần ra.

Để có tiền mua nợ xấu, VAMC đã kiến nghị tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Kiến nghị này đã được chấp thuận và VAMC đang xây dựng phương án. Theo đề án, năm nay có thể thực hiện được và việc này sẽ tiến hành sau khi được cấp tăng vốn điều lệ.