Hanjin phá sản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt ảnh hưởng thế nào?

Theo baodautu.vn

Khoảng 540.000 container hàng hóa đang bị mắc kẹt ngoài biển, gây thiệt hại nặng nề cho các chủ hàng, doanh nghiệp. Các cảng biển lo sợ không ai trả chi phí phục vụ tại cảng nên đã từ chối các tàu hàng của Hanjin cập cảng hay bốc dỡ hàng hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hanjin phá sản có ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt

Hanjin Shipping Global, hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc đã chính thức đệ đơn xin phá sản, đang gây ít nhiều khó khăn cho các khách hàng, doanh nghiệp Việt Nam vốn đã nhiều năm  chọn Hanjin làm hãng tàu vận tải trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo nguồn tin phát đi từ Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam, thì  hãng này đã có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31/8/2016.

Là một trong những hãng tàu biển lớn nhất tại Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới, việc Hanjin Shipping không còn hoạt động được Bộ Công thương nhận định là đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Được biết, Hanjin vận hành khoảng 60 tuyến vận tải thường xuyên, với 140 tàu container và hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đây là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển toàn cầu, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986.

Hanjin đã nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản sau khi các ngân hàng quyết định chấm dứt hỗ trợ tài chính cho Hanjin và các cảng biển từ Trung Quốc tới Tây Ban Nha, Mỹ và Canada từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng.  6 tháng 2016, Hanjin lỗ  437 tỷ Won, tương đương 423 triệu USD.

Tại Việt Nam, Hanjin là một trong những hãng tàu đầu tiên bỏ vốn vào thị trường cảng biển Việt Nam. Hanjin Shipping trước đây có trên 20% vốn tại cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép, nhưng đã bán lại phần vốn này cho Hanjin Transportation.

Theo nhận định của 1 doanh nghiệp Logistics, doanh nghiệp Việt xuất nhập khẩu với đối tác Hàn sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ Hanjin phá sản. Các thị trường Đông Nam Á xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ có sử dụng dịch vụ của Hanjin sẽ bị tác động, bởi Hanjin là công ty logistics lớn thứ 7 thế giới nên rất nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ.

Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu theo hình thức FOB, các khoản chi phí khác như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm của bên mua hàng, do đó những người mua hàng từ Việt Nam sử dụng dịch vụ của Hanjin chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì từ trước tới giờ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thanh toán cước mà bên mua sẽ thanh toán .

Còn trong khu vực châu Á, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chịu tác động nhiều nhất vì họ là người sử dụng Hanjin nhiều nhất.

Cần phải nói thêm, việc hàng loạt cảng biển từ chối đón tàu của Hanjin đang xảy ra đúng vào thời điểm sôi động nhất hàng năm của hoạt động vận tải biển toàn cầu, bởi từ tháng 9 chính là thời điểm bận rộn nhất của ngành công nghiệp vận tải hàng hóa toàn cầu trước mùa Giáng sinh.

Được biết, khoảng 540.000 container hàng hóa đang bị mắc kẹt ngoài biển, gây thiệt hại nặng nề cho các chủ hàng, doanh nghiệp. Các cảng biển lo sợ không ai trả chi phí phục vụ tại cảng nên đã từ chối các tàu hàng của Hanjin cập cảng hay bốc dỡ hàng hóa.

Hướng dẫn doanh nghiệp khẩn trương xử lý hàng hóa

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, “chúng tôi nhận định là sự việc có tác động tới hầu hết các ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp đang thuê hãng tàu Hanjin vận chuyển hàng hóa thuộc các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng, tất nhiên, mức độ của mỗi doanh nghiệp là không giống nhau”.

Thống kê chưa đầy đủ thì hiện ở thị trường Việt Nam hãng này chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa.

Đại diện cảng Cái Mép cũng cho biết, đang làm việc với Hanjin để giải quyết một số tồn đọng nhỏ để giúp khách hàng có container tồn đọng có thể rút được hàng hoá ra sớm nhất. Tuy nhiên khách hàng sẽ phải chấp nhận đội chi phí lên vì tình huống rủi ro này.

Trước vụ việc này, Bộ Công thương đã ngay lập tức khuyến cáo,  đối với các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, doanh nghiệp cần khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng hàng ra khỏi container của Hãng Hanjin. 

Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của Hãng Hanjin, doanh nghiệp nhanh chóng lấy hàng ra khỏi container và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa.

Riêng với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hãng Hanjin, doanh nghiệp tiếp tục làm việc với Văn phòng đại diện của Hãng Hanjin tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.

Riêng về vấn đề chuyển đổi container hàng, đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cũng xác nhận đang phối hợp với Bộ Giao thông, cùng với các cảng vụ, ở khâu vận tải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xử lý lô hàng bị ảnh hưởng bởi vụ việc Hanjin, như rút hàng ra, chuyển đổi container hay tiếp nhận hàng về bị chậm trễ, đề nghị cảng vụ có ưu tiên sắp xếp xử lý để tránh ùn tắc.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng đã có văn bản khuyến cáo các hội viên của mình. Theo VLA , trong trường hợp hàng đã đặt chỗ với Hanjin Shipping nhưng chưa kịp bốc lên tàu, doanh nghiệp cần nhanh chóng cho làm thủ tục lấy hàng lại và chuyển sang một hãng vận tải khác. Hội viên cần theo dõi chặt chẽ với hãng tàu, phối hợp với đại lý về khả năng giải phóng hàng sớm nhất có thể.

Đặc biệt, trong trường hợp hàng đang trên phương tiện di chuyển đến cảng đích, VLA cho rằng, có khả năng các các nhà cung cấp dịch vụ cho hãng vận tải cũng sẽ giam giữ phương tiện và thiết bị của hãng vận tải cho đến khi có ai đó đứng ra thanh toán nợ cho họ.