Những “người” đúng hẹn

Câu chuyện lợi nhuận ngân hàng vẫn là tâm điểm thu hút dư luận khi đến hẹn mỗi kỳ báo cáo. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2013, bức tranh lợi nhuận cho thấy, đã qua rồi thời “lợi nhuận khủng” đến với mọi ngân hàng. Ở giai đoạn này, dường như chỉ những ngân hàng nào có kết quả lợi nhuận kinh doanh tốt, mới “tự tin” phát đi những thông tin rầm rộ, còn các ngân hàng khác vẫn ngậm ngùi vì lỗi hẹn.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, những ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế cao nhất về giá trị tuyệt đối có thể điểm danh là VietinBank, Agribank, Vietcombank, BIDV, MB, Sacombank… Xét theo khối, ngoại trừ khối ngân hàng nước ngoài có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2013 giảm 15,3% so với cùng kỳ, khối ngân hàng quốc doanh và khối cổ phần đều có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 khá tốt với mức tăng lợi nhuận trước thuế so cùng kỳ năm trước tương ứng đạt 8,8% và 4,4%. Tính đến hết tháng 6/2013, khối ngân hàng quốc doanh vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất về lợi nhuận trước thuế với 48% tổng lợi nhuận toàn hệ thống; khối cổ phần chiếm 35%.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 4,5%, mức tăng trưởng thấp nhất cả chục năm nay. Tín dụng chiếm khoảng 80% lợi nhuận của ngân hàng. Tín dụng tăng chậm khiến lợi nhuận chung của toàn ngành giảm đi trông thấy.

Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 với nhiều điểm sáng đáng chú ý. Theo đó, tại thời điểm 30/6, ngân hàng có tổng tài sản 521.540 tỷ đồng, tăng 36.756 tỷ hay 7,6% so với cuối năm 2012. Tiền gửi của khách hàng tăng 10,7% đạt 335.449 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 7,3% đạt 364.772 tỷ đồng, trong đó có gần 27.000 tỷ đồng cho vay bằng vốn ODA. Trong quý II/2013, BIDV có thu nhập lãi thuần là 3.529 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 697 tỷ; từ ngoại hối là 14 tỷ đồng, từ hoạt động khác gần 255 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 2.640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.006 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 1.998 tỷ.

Mới đây, Sacombank cũng đã phát đi tín hiệu vui. Tính đến hết ngày 30/6, Sacombank đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương gần 52% kế hoạch đề ra cho cả năm. Có được kết quả này là nhờ tăng trưởng tín dụng tốt. Sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã đạt 11%. Đây là kết quả khả quan trong điều kiện kinh tế chưa thực sự khởi sắc. Nếu duy trì được mức thu nhập này, mục tiêu lợi nhuận 2.800 tỷ đồng năm nay của Sacombank là nằm trong tầm tay. Con số trên là chỉ tiêu đăng ký, còn mục tiêu phấn đấu của Sacombank năm nay là đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Báo cáo từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) cho thấy, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 135 tỷ đồng trong quý II, tăng 18% so với cùng kỳ và lãi 227,8 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý II tăng 8,9% lên 116,6 tỷ đồng còn trong 6 tháng thì mức lãi tăng lên tới 5 lần, đạt 189,3 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm của SouthernBank chỉ chiếm 2,77% trên tổng dư nợ, giảm so với mức 3% hồi đầu năm. Trong 3 nhóm nợ 3, 4 và 5 thì nợ có khả năng mất vốn đã giảm được gần 150 tỷ đồng.

Cùng với đó, Ngân hàng Quân đội (MB) có lãi trước thuế khoảng 1.754 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chưa công bố kết quả kinh doanh quý II, tuy nhiên, theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau 6 tháng dù chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận nửa năm nhưng vẫn lãi trước thuế 2.600 tỷ đồng… Điểm chung của các ngân hàng báo lãi sớm này là đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong bối cảnh toàn hệ thống vẫn ì ạch.

Hết thời lợi nhuận “khủng”

Bên cạnh những tín hiệu khả quan được các ngân hàng phát đi, thì vẫn có không ít ngân hàng dù không muốn nhưng vẫn phải công bố thông tin về sự “hụt hơi” trong chạy đua thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) vừa có thông tin giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về sự sụt giảm của mình là do lợi nhuận trước thuế phát sinh trong quý II/2013 giảm hơn 10% so với quý II/2012. Cụ thể, quý II/2013, Navibank lỗ 11,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 đạt 58,4 tỷ đồng.

Eximbank lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 800 tỷ đồng, bằng 1/4 mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm nay. Một ngân hàng lớn khác là ACB lợi nhuận hợp nhất bán liên cũng khiêm tốn ở mức dưới 1.000 tỷ đồng. Các ngân hàng nhỏ như Bản Việt, Nam Á, Đại Á kết quả kinh doanh 6 tháng cũng khá èo uột, chỉ hoàn thành được từ 20- 30% kế hoạch năm…

Theo báo cáo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), do nền kinh tế đầu năm 2013 vẫn đang ở giai đoạn dò đáy và ngổn ngang khó khăn, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2013. Theo đó, trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu của họ tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Cuộc điều tra cũng cho thấy, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2013 chưa được như kỳ vọng của các TCTD. Gần 50% TCTD cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của họ giảm trong 6 tháng đầu năm 2013 so với 6 tháng cuối năm 2012, trong đó mức giảm nhiều nhất từ 20% đến dưới 30%. Về lợi nhuận, có đến 71,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận của họ sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2013 so với 6 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng chủ yếu được kỳ vọng vẫn chỉ dưới 10%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đồng Tiến, cũng thừa nhận, không còn thời các ngân hàng “lợi nhuận khủng”. Hiện lợi nhuận biên của các ngân hàng bị co hẹp đáng kể do mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp. Gần đây, việc giảm mạnh lãi suất cho vay khiến thu nhập của các TCTD bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều đơn vị không còn lãi. “Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra nếu chưa thực hiện dự phòng chỉ còn 3%, trong khi đã thực hiện dự phòng chỉ 1,93%”, Phó Thống đốc nói.

Giới chuyên gia nhận xét, kết quả kinh doanh trên phần nào phản ánh đúng với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và phân hóa theo đặc điểm riêng của từng ngân hàng. Trong nửa đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng 4,5%, trong khi GDP tăng 4,9%, khá thấp so với mục tiêu 5,5% của Chính phủ.

Hầu hết các TCTD cho biết, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2013. Theo đó, trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu của họ tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Vụ Dự báo thống kê tiền tệ Ngân hàng Nhà nước

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 – 2013

Hết thời lợi nhuận “khủng”

ThS. TRẦN THỊ LƯU TÂM

(Tài chính) 6 tháng đầu năm 2013, tổng lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống ngân hàng ước đạt khoảng 24,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là con số khá lạc quan trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, lợi nhuận không chia đều cho các ngân hàng, vẫn có “kẻ vui, người buồn”…

Xem thêm

Video nổi bật