Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau thực hiện cổ phần hóa

ThS. Nguyễn Duy Long - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Được hình thành chủ yếu trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, doanh nghiệp nhà nước là nền tảng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xã hội. Trong công cuộc đổi mới, hệ thống doanh nghiệp nhà nước vừa được mở rộng phát triển, vừa được đổi mới sắp xếp, từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một giải pháp quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần đã cải thiện mạnh mẽ là minh chứng cho chủ trương đúng đắn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình hoạt động doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá

Trong công cuộc đổi mới, hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa được mở rộng phát triển, vừa được đổi mới sắp xếp, từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Cổ phần hóa (CPH) DNNN là một giải pháp quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện và cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực như:

Một là, các cơ chế, chính sách CPH đã làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, quản trị tại DN, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN; đồng thời, góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn về tài chính cho các DN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các DN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi.

Hai là, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN sau khi chuyển thành công ty cổ phần về cơ bản được nâng cao, đa số các DN kinh doanh có lãi, đời sống của người lao động được cải thiện.
Tổng hợp kết quả của 1.000 DN sau cổ phần hóa năm 2013 cho thấy, lợi nhuận bình quân tăng 5,83 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng 1,55 lần; vốn điều lệ tăng 1,7 lần; doanh thu tăng 1,5 lần; thu nhập bình quân người lao động tăng 2 lần.

Số liệu báo cáo của các DNNN đã CPH giai đoạn 2011-2015 cũng cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh của năm sau đều tăng hơn so với năm trước CPH. Cụ thể: Vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Ba là, công tác CPH DN đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Việc bán đấu giá cổ phần công khai trên Sở giao dịch chứng khoán, cung cấp cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hoá chất lượng cao đã góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài tham gia, giữ vững sự ổn định cho thị trường.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ năm 2005 đến hết tháng 6/2016, hai Sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức bán đấu giá cổ phần cho 598 DN với tổng số cổ phần chào bán là 6.038 triệu cổ phần, đã bán được 3.715 triệu cổ phần (đạt 62% tổng số cổ phần chào bán) với giá trị thu được là 90.650 tỷ đồng, thặng dư so với giá khởi điểm là 21.724 tỷ đồng, thặng dư so với mệnh giá là 53.426 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc CPH gắn với niêm yết cũng đã giúp tăng cường với sự kiểm tra giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN; tạo áp lực đòi hỏi các DN này phải tiếp cận với phương thức quản trị mới, công khai hơn, minh bạch hơn, tự chủ hơn và hiệu quả hơn; nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu của các đơn vị, tăng khả năng huy động vốn để đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, tổng số các DN đã CPH tham gia niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán là gần 450 DN trên tổng số gần 700 công ty niêm yết. Về cơ bản, đây là các DN lớn dẫn đầu thị trường về mức vốn hóa cũng như về tính minh bạch và quản trị công ty. Theo báo cáo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, quy mô của khối DN này liên tục tăng qua từng năm. Trong đó, tổng tài sản tăng bình quân 14%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủ sở hữu tăng khoảng 12%/năm.

Quy mô của các DN này tăng chủ yếu từ nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng và khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua hình thức phát hành thêm. Hầu hết các DNNN sau CPH thực hiện niêm yết đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và một số ưu đãi từ chính sách CPH; đồng thời, cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có những chuyển tích cực. Phần lớn các DN đều có nguồn giữ lại để tăng vốn điều lệ, hoặc đáp ứng đủ điều kiện cũng như uy tín để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua việc phát hành thêm.

Số liệu báo cáo của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hoá. Cụ thể: Vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân tăng 33%.

Bốn là, việc hình thành Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thực hiện CPH thuộc các bộ, địa phương đã giúp để đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN, thực hiện một bước việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng quyền đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản nhà nước tại DN của các cơ quan quản lý nhà nước (bộ, ngành, UBND các địa phương).

Năm là, CPH đã làm thay đổi cách thức quản trị công ty, việc kiểm tra, giám sát của các cổ đông trong và ngoài DN đã có ý nghĩa thiết thực trong việc đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả DN.

Hầu hết các DNNN sau khi cổ phần đều đã tuân thủ quy định về quản trị công ty theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như các công ty đại chúng khác. Cụ thể: (i) các DN đều xây dựng điều lệ theo quy định của Luật DN, trong đó 79% DN sử dụng điều lệ mẫu (Điều lệ mẫu tại Thông tư 121/2012/TT-BTC không mang tính chất bắt buộc) và xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty; (ii) về Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát: 97%-99% các DN có số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo đúng quy định...

Nhìn chung, CPH DNNN trong thời gian qua là một quá trình đổi mới về tư duy, nhận thức, quan điểm và tổ chức chỉ đạo thực hiện, trong đó giai đoạn 2001 - 2015 được xác định là giai đoạn đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. CPH DNNN đã được triển khai theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới DNNN, trở thành giải pháp quan trọng, tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các DNNN; hình thành được các pháp nhân đa sở hữu, tạo điều kiện để các DN đổi mới phương thức quản lý, quản trị theo thông lệ, huy động vốn.

Những tồn tại, hạn chế

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan song qua thực tế cũng cho thấy, sau CPH, hoạt động của các DN vẫn còn mặt hạn chế cần được khắc phục như:

Một là, một số DN sau khi CPH chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh so với yêu cầu và tiềm năng, hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh thấp, trình độ công nghệ, năng suất lao động của nhiều DN còn thấp, sức cạnh tranh yếu.

Hai là, tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao, do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH DN. Mặt khác, số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi CPH còn lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.

Năm 2015 có 128 DN bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng nhưng bình quân chỉ bán được 36% tổng số lượng cổ phần chào bán; sau khi bán cổ phần lần đầu, số DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 196 DN (chiếm 60% số DN đã bán cổ phần); đặc biệt có tới 55 DN (chiếm 17% số DN đã bán cổ phần) có số vốn nhà nước năm giữ trên 90% vốn điều lệ. Điển hình như: Tổng công ty Điện lực - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ 99,65%; Tổng công ty khoáng sản - TKV tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ 98%; Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ 98,2%; Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc tỷ lệ vốn nhà nước 97,42%.

Ba là, việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của các DN sau CPH chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ, trong thời hạn 90 ngày kể từ kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để CPH DNNN theo quy định của pháp luật về CPH phải hoàn tất các thủ tục đăng ký lưu ký cổ phần và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, DN nào đủ điều kiện phải nộp hồ sơ niêm yết ngay.

Tuy nhiên, trên thực tế, tính riêng trong giai đoạn 2011-2015, triển khai công tác tái cơ cấu DNNN theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có 499 DN thực hiện CPH nhưng tổng số các DN đã CPH từ trước đến nay niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán mới là gần 450 DN.

Bốn là, hoạt động quản trị còn nhiều hạn chế do thay đổi sự phân bổ nguồn lực từ Nhà nước, Nhà nước không bảo lãnh cho các DN như trước đây, vay vốn khó khăn do không có tài sản đảm bảo. Tính chủ động và thích nghi với môi trường kinh doanh còn chậm, thiếu năng động, khó cạnh tranh với các DN khác trong sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường.

Một số giải pháp, đề xuất

Xuất phát từ những hạn chế trên, để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo, thời gian tới cần quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là CPH các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, đặc biệt là quá trình CPH theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Thứ hai, ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp, CPH giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các DN theo quy định tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh; cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Các ngành nghề, lĩnh vực còn lại sẽ thực hiện CPH với tỷ lệ nắm giữ khác nhau.

Thứ ba, ban hành Nghị định mới quy định về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế các Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP) theo hướng đẩy mạnh quá trình xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN; tổ chức định giá sát với giá thị trường (có xem xét xác định giá trị quyền được tiếp tục thuê đất vào giá khởi điểm khi bán cổ phần); bổ sung quy định chặt chẽ quy trình, trách nhiệm của các tổ chức tư vấn tham gia quá trình CPH (từ việc định giá, xác định giá khởi điểm, xây dựng phương án CPH, tổ chức bán cổ phần đến việc quyết toán, bàn giao sang công ty cổ phần);

Điều chỉnh quy định về chi phí CPH cho phù hợp với thực tiễn và quy mô của DN; rà soát toàn bộ diện tích đất DN đang quản lý sử dụng để thực hiện thu hồi, bán đấu giá đối với diện tích đất sử dụng chưa phù hợp với quy hoạch và ngành nghề kinh doanh của DN; tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, mở rộng thêm phương thức bán cổ phần (phương pháp dựng sổ); gắn quá trình CPH với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần góp phần đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN sau CPH.

Thứ tư, nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong CPH, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản. Thực hiện nghiêm quy định đăng ký giao dịch và niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN quy mô lớn đã cổ phần hoá trên thị trường chứng khoán trong nước.

Thứ năm, áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quản trị DN quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, chú trọng kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; tăng cường năng lực, quyền hạn của ban kiểm soát, kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ.

Thứ sáu, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý DN đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Thứ bảy, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án CPH, tái cơ cấu DN đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành DN.
Thứ tám, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình tái cơ cấu DNNN, CPH DNNN từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến tổ chức thực hiện, giám sát quá trình tái cơ cấu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại công văn số 382/KTNN-TH ngày 01/9/2016;

2. Báo cáo của Bộ Tài chính tại công văn số 331/BTC-TCDN ngày 08/1/2016.