Hình thành những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất

Theo Lê Bình/daibieunhandan.vn

Để đưa Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, không thể chỉ chú trọng thực hiện mục tiêu về số lượng doanh nghiệp mà phải gắn với chất lượng và hiệu quả kinh doanh. Theo đó, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất ngành của quốc gia, thậm chí trên toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục tiêu dễ hay khó?

Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về kinh tế tư nhân của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp, đóng góp 50% GDP, và đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp khoảng 55% GDP.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, đây không phải là mục tiêu quá lớn so với tốc độ phát triển kinh tế tư nhân bình quân 14 - 15% trong 10 năm qua, cũng như so với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP của các nước có thu nhập/đầu người trung bình trong khu vực (65-75%).

Tại Tọa đàm Đưa Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về kinh tế tư nhân vào cuộc sống do Tạp chí Đảng Cộng sản tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết có nhiều thuận lợi. Quốc hội vừa thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Kỳ họp thứ Ba. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Nghị quyết số 35/NQ-CP, các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg...

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Trọng Dũng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo không khí kinh doanh, lập nghiệp sôi động. “Kỷ lục đã được lập nên trong năm 2016, khi có hơn 110 nghìn doanh nghiệp được thành lập, còn trong 5 tháng đầu năm 2017 cũng có trên 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập” - ông Nguyễn Trọng Dũng lưu ý.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích, cả nước hiện có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có không ít hộ hoàn toàn đủ điều kiện chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Nhưng không vì thế mà mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp dễ dàng thực hiện, vì dường như các hộ đang thích “đứng ngoài” hơn vì họ không phải thực hiện 31 loại sổ sách khác nhau, thuê kế toán trưởng... chưa kể phải đóng thêm nhiều loại thuế, phí. “Cơ quan quản lý không thể cầm gậy điều khiển hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp”.

Nhấn mạnh thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị, cần tổ chức vinh danh các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt thành tích cao; đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật, để giúp các hộ kinh doanh hiểu biết, tuân thủ đúng pháp luật. Đặc biệt, phải sớm triển khai 6 chương trình lớn có liên quan đến triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; hỗ trợ đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hội nhập).

Không chạy theo số lượng

Dù nhận định hoàn toàn có khả năng thực hiện thành công mục tiêu đề ra, song TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo sẽ có không ít khó khăn khi phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Bởi khu vực này không có quá trình “tích sản” lâu đời như ở các quốc gia phát triển. Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp vì thế còn yếu, vốn tự có thấp, chủ yếu bằng vốn vay, kể cả vốn cố định và vốn lưu động.

Do tài chính tích lũy rất yếu, nên hầu như ít có doanh nghiệp dành chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển, hoặc đầu tư công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Bởi vậy, doanh nghiệp tư nhân nước ta ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, cả về khía cạnh tài chính và nhân lực. Một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ và nhân lực, thì chi phí tài chính cho đầu tư cũng quá lớn và hiệu quả thực tế không còn nhiều, đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ rõ, do nền tảng tài chính yếu kém, nên các hoạt động phụ trợ cho sản xuất kinh doanh (như thiết kế sản phẩm, quảng bá, truyền thông, quảng cáo và triển lãm hàng hóa) đều rất hạn chế. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn bị thua thiệt bởi các rào cản về thương mại, kinh doanh và đầu tư, kể cả các rào cản tiếp cận đất đai và các cơ hội kinh doanh.

Điều này khiến cho chi phí bằng tiền và bằng thời gian (cũng là tiền) về các thủ tục hành chính và pháp lý vượt trội so với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi các chi phí này chưa được tháo gỡ thỏa đáng, thì doanh nghiệp Việt còn chịu tác động rất lớn bởi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu và hoạt động hạn chế cạnh tranh công bằng đến từ nước ngoài và trong nước... - ông Lê Xuân Nghĩa lưu ý.

Trước thực tế này, GS. TS. Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần hiểu đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII, không chạy theo số lượng doanh nghiệp mà phải gắn với chất lượng và hiệu quả kinh doanh. Không thể hài lòng khi đạt về số lượng, song chỉ có những đơn vị sản xuất nhỏ, lạc hậu, manh mún “như những củ khoai tây trong một bì khoai tây”.

Theo ông Đỗ Thế Tùng, nếu coi sản xuất nhỏ cũng là doanh nghiệp là không đúng. Dành nguồn lực khuyến khích cho cả kinh tế hộ, tiểu chủ thì sẽ không bao giờ có doanh nghiệp lớn. Phải hướng đến hình thành doanh nghiệp tư nhân nằm trong hệ thống phân công xã hội hiện đại của sản xuất hàng hóa lớn, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của từng ngành hàng của quốc gia, thậm chí trên toàn cầu.

 Kinh tế tư nhân từ chỗ bị xem nhẹ đã được thừa nhận là một động lực và một bộ phận cấu thành quan trọng và đến nay được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng trước mắt, phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách từ nhận thức đến hành động, sớm xây dựng hệ thống chính sách phù hợp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, tham gia được vào các chuỗi giá trị sản xuất.