Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa

Minh Thư (Đại biểu Nhân dân)

Đánh giá tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 vừa được Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung nhận định: các chính sách tài khóa, tiền tệ được áp dụng trong các năm 2011 - 2012 đang dần đem lại kết quả trên tầm vĩ mô. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, những chính sách này chưa phát huy được tác dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là điểm cần khắc phục trong năm tài chính kế tiếp.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính ngân hàng, năm 2012, một số chính sách tiền tệ đã đạt được những kết quả tích cực như tăng dự trữ ngoại tệ, lạm phát được kiềm chế ở mức độ thấp. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách tài khóa còn chậm. Tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và chưa có những cải thiện đáng kể. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là tồn kho cao, đặc biệt là tồn kho của những nhóm hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nhưng đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng này. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì lĩnh vực xây dựng thường đóng góp 8 - 10% tăng trưởng GDP mỗi năm, nhưng 2 năm nay lĩnh vực này đang có tốc độ tăng trưởng âm. Bổ sung thêm thông tin về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng Phạm Văn Khánh cho biết, nếu như ở các lĩnh vực khác số doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể chiếm khoảng 30% thì trong lĩnh vực xây dựng số doanh nghiệp xây dựng phá sản chiếm tới 50%. Vấn đề đặt ra hiện nay là cách bố trí vốn như thế nào? Rất nhiều công trình không thực hiện được theo đúng kế hoạch vì thiếu vốn. Ngành xây dựng còn mảng thị trường bất động sản cũng đang rất bế tắc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng e ngại việc gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có thể lại gây khó cho ngành ngân hàng. Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng thư ký phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, phải đánh giá lại toàn bộ quá trình đầu tư, đặc biệt là đầu tư công để xem hiệu quả đầu tư, từ đó điều chỉnh lại và phân bổ cho phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp, tránh dàn trải. Nếu không thì dù không lãng phí cũng kém hiệu quả. Cần đánh giá lại năng lực của từng doanh nghiệp để hỗ trợ hiệu quả nhất.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong năm 2011, tăng trưởng của các doanh nghiệp kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục đạt tốc độ cao nhất: 6,84% và đóng góp cao nhất với 3,39 điểm phần trăm. Ngược lại khu vực nhà nước vẫn tăng trưởng chậm nhất. Chỉ đạt 4,46% và đóng góp 1,65 điểm phần trăm vào tăng trưởng. Thế nhưng cũng có một thực tế khác, đó là doanh nghiệp Nhà nước lại được hưởng nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng, nhưng gói hỗ trợ này chủ yếu được thể hiện bằng việc miễn giảm, hoãn, giãn các loại thuế, phí, nên lượng tiền thực chất đến các doanh nghiệp không nhiều.

Khi đề cập vấn đề cung cấp vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thực sự là các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn. Giá vốn (tức là lãi suất ngân hàng) của chúng ta rất đắt. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách liên tục hạ lãi suất cho vay, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Để giải quyết vấn đề này, cần nỗ lực từ cả 2 phía. Doanh nghiệp cần tái cơ cấu chính mình để hấp thụ vốn tốt hơn.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế quốc tế, năm 2013 tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục ảm đạm. Điều đó sẽ càng tác động đến thị trường nước ta, khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, đạt tới trên 160%. Do đó rất cần những chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, đặc biệt cần đúng đối tượng, để những doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại có thể tiếp tục trụ vững và tận dụng được cơ hội trong tương lai.