Hoàn thiện kế toán định giá doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương pháp tài sản

ThS. Nguyễn Thu Hiền

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Để thực hiện được quá trình cổ phần hóa, việc khó khăn nhất với các doanh nghiệp nhà nước là định giá doanh nghiệp và lựa chọn phương pháp định giá doanh nghiệp. Việc làm này đóng vai trò quyết định kết quả giá trị doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều văn bản của Nhà nước được ban hành để hướng dẫn hoạt động kế toán định giá doanh nghiệp theo từng phương pháp, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nguyên tắc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản

Xác định giá trị doanh nghiệp (DN) theo phương pháp tài sản khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) được nhiều DN nhà nước (DNNN) lựa chọn. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn cho quá trình kế toán định giá DN trước khi thực hiện CPH.

Định giá DN theo phương pháp tài sản thì giá trị của một DN được xác định bằng tổng các giá trị của từng loại tài sản riêng biệt trừ đi các khoản nợ phải trả của DN đó trên cơ sở xác định giá trị của từng tài sản riêng biệt. Theo phương pháp này, toàn bộ tài sản được tiến hành đánh giá lại chi tiết trên các sổ chi tiết và tổng hợp và được xử lý, điều chỉnh bằng các bút toán để phản ánh, cụ thể:

Với các khoản tiền và tương đương tiền: Tại thời điểm định giá, các khoản tiền và tương đương tiền có gốc ngoại tệ, vàng bạc đá quý đều được quy đổi theo tỷ giá thị trường thực tế của đồng tiền hạch toán trên sổ kế toán. Như vậy, các khoản tiền và tương đương tiền được đánh giá theo giá trị hợp lý tại thời điểm lập báo cáo tài chính và các phần chênh lệch về tỷ giá hối đoái kể cả những chênh lệch được hay chưa được thực hiện, đều phải được hạch toán vào lãi lỗ theo chuẩn mực kế toán quốc tế 21 (IAS 21) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế 13 (IFRS 13).

Với tài sản tài chính ngắn hạn: Các khoản chứng khoán thương mại ngắn hạn được ghi nhận theo giá trị hợp lý (giá thị trường) cuối mỗi kỳ, tại thời điểm định giá cũng vậy. Chênh lệch được ghi vào lãi lỗ chưa thực hiện trên báo cáo lãi lỗ.

Các khoản chứng khoán sẵn sàng để bán cũng được điều chỉnh theo giá trị hợp lý vào thời điểm định giá, nhưng nó được ghi tăng giảm vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không ghi vào báo cáo lãi lỗ. Các khoản đầu tư bằng trái phiếu được ghi nhận theo giá vốn đã trừ (cộng) số phân bổ chiết khấu (phụ trội).

Với các khoản phải thu: Các khoản phải thu bằng tiền ngoại tệ được quy đổi theo tỷ giá thực tế thời điểm lập báo cáo tài chính theo IAS 21. Khi xác định được các khoản phải thu là khó đòi thì DN phải trích dự phòng phải thu khó đòi. Dự phòng phải thu khó đòi được phản ánh vào báo cáo tài chính của DN.

Do vậy, giá trị các khoản phải thu phản ánh được gần như đầy đủ các khoản lợi ích của DN đối với các khách hàng của mình, điều này cho thấy, các khoản phải thu trên báo cáo tài chính DN được coi là đã được phản ánh theo giá trị hợp lý của IFRS 13.

Với hàng tồn kho: Để đảm bảo giá trị của hàng tồn kho, chuẩn mực kế toán quốc tế quy định, tại thời điểm định giá, lập báo cáo tài chính, hàng tồn kho được phản ánh theo giá trị thuần có thể thực hiện được.

Trường hợp trên thị trường, hàng tồn kho đang có giá bán thấp hơn giá ghi sổ thì DN phản ánh dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên báo cáo tài chính, dẫn đến khoản mục này có thể coi là đã được phản ánh theo giá trị hợp lý. Trường hợp trên thị trường, hàng tồn kho đang có giá bán cao hơn giá ghi sổ thì các khoản này được giữ nguyên theo giá gốc ban đầu.

Với tài sản cố định (TSCĐ): Được xác định theo các chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 16, IAS 38, IAS 17 phản ánh giá trị TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, TSCĐ thuê tài chính và giá trị khấu hao luỹ kế của các loại tài sản này. Sau ghi nhận ban đầu (tại thời điểm định giá), chuẩn mực kế toán quốc tế cho phép DN được lựa chọn 1 trong 2 phương pháp: Phương pháp thứ nhất là phương pháp giá gốc và phương pháp đánh giá lại

Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn: Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, liên doanh, chuẩn mực kế toán quốc tế quy định áp dụng theo các nguyên tắc kế toán các khoản đầu tư vào công ty khác có thể trình bày theo: Phương pháp giá gốc hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu.

Với các khoản phải trả: Các khoản phải trả bằng tiền ngoại tệ được quy đổi theo tỷ giá thực tế tại thời điểm định giá, lập báo cáo tài chính. Khi phát sinh sự giảm sút, gia tăng về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc yêu cầu phải thanh toán nghĩa vụ nợ và đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó, DN tiến hành ghi nhận dự phòng phải trả cho phần nghĩa vụ đó trên báo cáo tài chính, tại thời điểm định giá được phản ánh.

Đối với các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi trong quá trình định giá: Xử lý các khoản lãi phát sinh của DN sau khi sử dụng để bù lỗ (nếu có) theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN (hạch toán thuế phải nộp), bù đắp các khoản tổn thất về tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, giảm giá tài sản, nợ không có khả năng thu hồi (trên các tài khoản chi phí), số còn lại phân phối theo quy định hiện hành trước khi xác định giá trị DN nếu còn sẽ được hạch toán tăng vốn chủ sở hữu.

Xử lý, ghi nhận lợi thế kinh doanh: Thực chất việc ghi nhận khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế (giá trị hợp lý) tại thời điểm định giá và giá trị ghi sổ của vốn chủ sở hữu, chênh lệch của vốn chủ sở hữu giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ kế toán được hạch toán như là một khoản lợi thế kinh doanh của DN.

Một số khó khăn, hạn chế

Thực tế khi áp dụng phương pháp tài sản vào quá trình xác định giá trị DN tại các DNNN thực hiện CPH vẫn còn gặp nhiều khó khăn:

Cách xác định tài sản cố định còn chưa phù hợp với thực tế

Quy định, hướng dẫn xác định giá trị tài sản là hiện vật (tài sản hữu hình): Khi tính căn cứ giá thị trường, nhiều đơn vị có tài sản đặc biệt không có tài sản tương đương cùng loại để so sánh. Mặt khác, có nhiều loại tài sản được tài trợ, được đầu tư từ nước ngoài và là những tài sản đặc thù thì việc áp dụng khó khăn vì nếu không có tài sản cùng loại thì xác định giá theo giá trị ghi sổ của tài sản nên không thể chính xác được.

Bên cạnh đó, với những tài sản được hình thành từ thời bao cấp, dây truyền cũ kỹ lạc hậu nhưng vẫn còn sử dụng và lại là những tài sản mang tính chất đặc thù, thực tế không thể thanh lý, nhượng bán khi đánh giá các loại tài sản này.

Đối với TSCĐ vô hình, theo quy định hiện hành thời gian khấu hao đối với TSCĐ vô hình thường do các DN tự lựa chọn và thời gian khấu hao không quá 20 năm. Theo Thông tư số 202/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính (hướng dẫn một số nội dung về tài chính trong bàn, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ), khi xác định giá trị TSCĐ vô hình để chuyển đổi hình thức sở hữu được xác định theo giá còn lại trên sổ kế toán.

Như vậy, tài sản vô hình đã khấu hao hết vẫn đang sử dụng giá trị ghi sổ không còn, khi định giá giá trị sẽ bằng không (0), nhất là đối với tài sản vô hình đặc biệt, sau khi sử dụng giá trị vẫn không bị thay đổi nhiều, hầu hết các tài sản đó đã được thực hiện trích khấu hao theo quy định cũ và thường được trích khấu hao rất nhanh, như vậy sẽ làm thất thoát giá trị khi định giá.

Việc xác định về giá trị quyền sử dụng đất cũng còn nhiều băn khoăn: Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các DN CPH tiếp tục thực hiện quyền được lựa chọn hình thức giao hoặc thuê đất như quy định của Luật Đất đai. Nếu DN thực hiện giao đất thì phải tính bổ sung giá trị quyền sử dụng đất giao theo giá sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường để tính vào giá trị DN CPH (sẽ ghi tăng “TSCĐ vô hình” hoặc “Chi phí trả trước dài hạn”).

Tuy nhiên, việc xác định giá trị chuyển nhượng cũng là một vấn đề phức tạp khi trên thực tế, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên giấy tờ đôi khi không đúng với giá trị chuyển nhượng thực tế hoặc tại thời điểm xác định giá trị DN không có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tương đương nào trên thị trường.

Cách xác định lợi thế kinh doanh chưa thống nhất giữa các quy định

Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính (hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và khấu hao TSCĐ) đã thay đổi một số quy định phù hợp với Thông tư số 202/2009/TT-BTC, tuy nhiên trong Thông tư số 202/2009/TT-BTC khi xác định “lợi thế kinh doanh” vẫn bao gồm cả “giá trị thương hiệu”.

Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “Giá trị thương hiệu” hay “Nhãn hiệu hàng hóa” được coi là TSCĐ vô hình. Như vậy, giữa hai văn bản đã có sự không thống nhất về phương pháp đánh giá. Ngoài ra, hướng dẫn về căn cứ và phương pháp để tính và ghi nhận lợi thế kinh doanh chưa thực sự phù hợp với nền kinh tế thị trường và chưa áp dụng nguyên tắc thận trọng và phù hợp trong kế toán dẫn tới làm thất thoát vốn Nhà nước.

Mặt khác, báo cáo tài chính của các DN thiếu công khai minh bạch trước khi định giá cũng sẽ làm ảnh hưởng mạnh tới lợi thế kinh doanh vì khi xác định lợi thế kinh doanh, thường người làm công tác định giá sẽ dựa vào số liệu trên báo cáo tài chính của các năm liền kề về các chỉ tiêu: vốn chủ sở hữu 3 năm, lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm trước liền kề.

Lợi nhuận nhiều DN đưa ra công khai trên báo cáo tài chính đã được điều chỉnh vì số liệu này có thể chưa được kiểm toán lại hoặc đã kiểm toán nhưng do đơn vị kiểm toán không uy tín thực hiện nên số liệu chưa thể chuẩn xác được.

Trong thực tế rất nhiều DN có tiềm năng tốt nhưng trong thời gian hiện tại do đầu tư phát triển mở rộng kinh doanh hay một lý do nào đó lợi nhuận giảm đi hoặc ngược lại. Khi xác định giá trị DN, nếu căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của 3 năm liền kề và lãi suất trái phiếu chính phủ cho 5 năm sẽ là không chính xác vì còn rất nhiều nhân tố khiến cho tỷ suất này sai lệch.

Vấn đề đối chiếu công nợ còn khó khăn

Theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 202/2011/TT-BTC (hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần), DNNN CPH phải tiến hành đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN và có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định.

Điều này thực sự sẽ gây khó khăn cho các DN vì sẽ khó thực hiện trong thời gian nhất định, nhất là đối với công ty mẹ và các tổng công ty. Vì thế, thời gian thực hiện có thể sẽ kéo dài gây ảnh hưởng tới tiến độ CPH.

Sau khi sửa đổi bổ sung Nghị định số 189/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) và Thông tư số 127/2014/TT-BTC (hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) thì khoản công nợ chưa đối chiếu được sẽ chuyển giao sang cho công ty cổ phần đối chiếu tiếp hoặc tiếp nhận nếu có đầy đủ chứng từ chứng minh.

Tuy nhiên, nếu phần công nợ phải thu chưa đối chiếu được sau này thu hồi được thì xử lý thế nào trong kế toán? Trong các văn bản pháp luật chưa hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này.

Kiến nghị giải pháp

Cần phải dựng quy định khung thống nhất, cụ thể hơn về quy trình kế toán định giá khi tái cấu trúc DNNN. Khi xây dựng những quy định và hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể, tránh việc trái ngược nhau làm ảnh hưởng tới công tác kế toán định giá DN khi CPH, cụ thể:

Thứ nhất, đối với TSCĐ:

Cần có quy định và hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp TSCĐ (bao gồm cả TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình) đã khấu hao hết, có đặc thù riêng không có tài sản tương tự trên thị trường, còn giá trị sử dụng.

Theo quy định khi xác định giá trị của TSCĐ đã khấu hao hết còn sử dụng được xác định “theo giá thị trường của tổ chức định giá nhân (x) chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm định giá”. Điều này rất khó thực hiện, do vậy, để xác định giá trị toàn bộ tài sản của DN (gồm TSCĐ, hàng tồn kho) nên đánh giá theo giá trị hợp lý không phân biệt đã khấu hao hết hay chưa (áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 13- Giá trị hợp lý).

Thứ hai, xác định lợi thế kinh doanh cần thống nhất giữa các quy định và phải có hướng dẫn cụ thể về cách xác định: Lợi thế kinh doanh cũng là một phần cơ bản trong nội dung định giá DN mỗi lần sửa đổi bổ sung, hướng dẫn về lợi thế kinh doanh đã có sự thay đổi bổ sung sao cho phù hợp hơn với thời điểm và giai đoạn định giá.

Tuy nhiên vẫn cần bổ sung hướng dẫn nội dung chi tiết của chỉ tiêu: “Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị DN” và “Lãi suất của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị DN”, tránh gây lúng túng cho các DN CPH khi thực hiện định giá DN theo phương pháp tài sản dẫn tới việc xác định vốn nhà nước chưa chính xác.

Bên cạnh đó, cần phải có phụ lục hướng dẫn tính lợi thế kinh doanh cụ thể theo phương pháp giá trị tài sản kèm theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, cần bổ sung hướng dẫn kế toán đối với trường hợp công nợ chưa đối chiếu được, sau này thu hồi được thì ghi nhận vào khoản mục nào để có sự thống nhất, thuận lợi cho quá trình kế toán của các DNNN sau khi đã CPH, tránh làm thất thoát vốn nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;

2. Chính phủ, Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;

3. Bộ Tài chính, Thông tư 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần;

4. Bộ Tài chính, Thông tư 127/2014/TT-BTC ngày 05/09/2014 hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.