Hợp lực gỡ vướng về vốn

VIR

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, hàng tháng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng sẽ phải báo cáo lãnh đạo Thành phố về việc thực hiện chính sách lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

“Nếu tổ chức tín dụng nào không thực hiện nghiêm túc chính sách lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (tối đa là 15%/năm với nợ cũ và tối đa 13%/năm với vay mới), tôi sẽ công bố danh tính của các tổ chức tín dụng này trước công luận”, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng khẳng định tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra vào cuối tuần qua.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do lãi suất tăng cao, thị trường thu hẹp, tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng... Đa số doanh nghiệp không đạt được kế hoạch đề ra cho 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, tình hình cho vay trên địa bàn TP. Đà Nẵng tăng trưởng khá thấp, với dư nợ cho vay bằng VND đạt 41.178 tỷ đồng, vay bằng ngoại tệ đạt 7.375 tỷ đồng, giảm 15,69% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng tín dụng thấp được đánh giá là xuất phát từ lãi suất cao, sức mua thấp, hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn, khả năng trả nợ của khách hàng giảm.

Thực hiện Nghị quyết 13/2012/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ban hành các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên cả nước về việc thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, trên địa bàn Thành phố chỉ có 40% các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Còn lại (40 tổ chức tín dụng) vẫn chưa đưa mức lãi suất ngắn hạn về 15%. Sự thiếu đồng nhất trên đã khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi đối thoại nêu trên, nhiều doanh nghiệp như Công ty Vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà đà Nẵng, Công ty Vinacapital Đà Nẵng, Công ty liên doanh silver shores.. bày tỏ thắc mắc về việc tại sao lãi suất tiền gửi có quy định trần, trong khi đó lãi suất vay lại không có; tại sao các ngân hàng không niêm yết lãi suất cho vay như đang thực hiện với lãi suất huy động; liệu chính sách lãi suất có tiếp tục giảm nữa không; tại sao các nước trong khu vực mức lãi suất cho vay dưới 5%, thậm chí 0%; giải pháp để ổn định lãi suất...

Trước những chất vấn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang phải đối diện. Theo ông Tiến, lãi suất cho vay được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có lãi suất tiền gửi và quan trọng nhất là phụ thuộc vào tình hình lạm phát.

“Nếu lạm phát diễn biến theo chiều hướng tích cực như hiện nay, thì sắp đến, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất trần”, ông Tiến khẳng định, nhưng cũng cho rằng, ngoài vốn vay, còn nhiều yếu tố khác có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này như huy động nội lực, hợp tác kinh doanh, liên kết giải quyết hàng tồn kho…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐTQ Ngân hàng An Bình cho biết, ngoài chính sách của Nhà nước, để xây dựng mức lãi suất cho vay, các ngân hàng còn phải tính toán các khoản chi phí, trong đó có chi phí vốn, chi phí rủi ro… Nếu Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để các ngân hàng có chi phí vốn thấp hơn, thì các ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn trong việc xây dựng mức lãi suất cho vay thấp.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định, sự sống còn của doanh nghiệp ảnh hưởng đến hoạt động chung của các tổ chức tín dụng, vì vậy, doanh nghiệp và ngân hàng cần phải hiểu nhau hơn, để cùng chia sẻ và vượt qua khó khăn. “Đối với những doanh nghiệp đang thực hiện những dự án từ ngân sách, Thành phố cam kết đứng ra bảo lãnh giúp doanh nghiệp vay vốn để thực hiện dự án. Vì vậy, các ngân hàng có thể yên tâm cho các doanh nghiệp này vay vốn, khi Thành phố giải ngân thì họ sẽ trả nợ ngân hàng”, ông Thanh nói.