Hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản: Khuyến khích đầu tư theo chuỗi

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2013, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam là 2.103 dự án với số vốn lên tới 34.526 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản dự kiến đạt 29 tỷ USD vào năm 2013.

Hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản: Khuyến khích đầu tư theo chuỗi
Đầu tư theo chuỗi, DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Nguồn: internet

Trong một báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nghiên cứu 4.000 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á - châu Đại Dương cho thấy, khảo sát với 250 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam thì có 65,9% DN có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 57,8% ở khu vực, chứng tỏ các DN Nhật Bản vẫn có niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Hoạt động hiệu quả

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết tính lũy kế đến tháng 11/2013, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam là 2.103 dự án với số vốn lên tới 34.526 triệu USD, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 1.150 dự án, chiếm 84,14% tổng vốn đầu tư.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản đã đạt 25 tỷ USD trong năm 2012 và dự kiến đạt 29 tỷ USD vào năm 2013. Đánh giá chung, hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đều hoạt động có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, hoạt động thương mại và sự tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam.

Còn theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Nhật Bản đang là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, Nhật Bản là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc. Với Nhật Bản thì Việt Nam là đối tác xếp thứ 17 về xuất khẩu hàng hóa và thứ 15 về nhập khẩu hàng hóa.

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư (NĐT) lớn nhất của Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp của Nhật vào Việt Nam tính đến tháng 8/2013 đạt gần 33 tỷ USD với hơn 2.000 dự án; vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 4,35 tỷ USD, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Để đón luồng vốn đầu tư từ Nhật Bản, bên cạnh các chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư nói chung như ưu đãi thuế, cải cách thủ tục hải quan, hoàn thiện cơ sở hạ tầng..., Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách riêng dành cho DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Tầm quan trọng của các NĐT Nhật Bản đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ghi nhận khi xây dựng các mô hình hỗ trợ chuyên biệt cho NĐT Nhật (Japan Desk, Aichi Support Desk, Saitama Desk...).

Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư các tập đoàn lớn, Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng thu hút đầu tư đối với các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản; hợp tác xây dựng các khu công nghiệp chuyên sâu dành cho Nhật Bản; xây dựng trang web xúc tiến đầu tư bằng tiếng Nhật.

Chiến lược Công nghiệp hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản đã tập trung vào 6 ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế, gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô.

Dự báo tăng trưởng cao

Sự phát triển mạnh mẽ của luồng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các DN Việt Nam đồng thời cũng đặt ra thách thức trong việc nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và cung cấp dịch vụ tới các DN Nhật Bản, trong đó có hoạt động ngân hàng.

Chính phủ Nhật Bản đang có chủ trương thông qua Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để tạo cơ chế hợp tác giữa các ngân hàng vùng tại Nhật Bản và các ngân hàng lớn tại Việt Nam nhằm hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển thuận lợi nhất cho các DN Nhật Bản đang kinh doanh tại nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Việt Nam là một phần trong chiến lược mở rộng hơn nữa hoạt động tại châu Á. Thông qua hợp tác với VietinBank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ muốn phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh tại châu Á, tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, một thị trường dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao.

Đối với các ngân hàng Nhật, trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn và đang "thừa tiền", việc nhắm tới các thị trường ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu, một bước chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục kinh tế mới. Các dự báo cho thấy các ngân hàng Nhật hiện "thừa" khoảng 2.000 tỷ USD tiền gửi và Nhật hiện đứng đầu trong các thương vụ M&A tại Việt Nam…

Ông Ito Akira, Giám đốc điều hành Ngân hàng Shinkin Central, chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng trước sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và các chính sách tích cực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, trong đó có ngành sản xuất công nghiệp ôtô nói riêng, ngành công nghiệp chế biến nói chung cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ ngày càng phát triển tại miền Bắc. Hiện tại có khoảng 200 khách hàng của Shinkin Central Bank đang hoạt động ở Việt Nam và trong thời gian tới được dự đoán sẽ tiếp tục có sự đầu tư của các DN vừa và nhỏ Nhật Bản vào Việt Nam".

Khi nói về tầm quan trọng trong cộng tác với các NĐT nước ngoài, ông Hoàng cho biết 75% NĐT đến Việt Nam là qua… rỉ tai. Chỉ có 25% NĐT đến Việt Nam sau khi tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo, các chương trình xúc tiến đầu tư… Chính vì vậy, việc triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư phải nhất quán và rộng hơn nữa, nhất là khuyến khích đầu tư theo chuỗi để phát triển công nghiệp phụ trợ.

"Ngân hàng đi trước, DN theo sau, như vậy công nghiệp phụ trợ mới phát triển mạnh. Chúng tôi đang đề xuất với Chính phủ chính sách nếu đầu tư theo chuỗi, DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn", ông Hoàng nói.